MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công Phượng hướng đến chuyến đi Châu Âu. Ảnh: Đình Thảo

Công Phượng xuất ngoại để “dự bị cũng vui”

HOÀI ĐAN LDO | 06/07/2019 09:06

Tiền đạo Công Phượng đã trở thành cầu thủ Việt Nam xuất ngoại thi đấu nhiều nhất sau khi đầu quân cho CLB Sint Truiden (Bỉ). Với bầu Đức, Phượng ra nước ngoài dự bị cũng vẫn vui.

Năm 2016, Công Phượng bắt đầu chuyến xuất ngoại đầu tiên khi đầu quân cho CLB Mito Hollyhock ở J.League 2 (Nhật Bản) theo bản hợp đồng cho mượn 1 năm. Đó là quãng thời gian mà bầu Đức cùng lúc cho cả 3 cầu thủ xuất ngoại là Công Phượng, Xuân Trường và Tuấn Anh.  

Tuy nhiên, tất cả những gì mà người hâm mộ nhớ về Công Phượng trong chuyến xuất ngoại đầu tiên là dự bị mòn mỏi và hình ảnh đi phát tờ rơi trên phố. Tất cả đã sốc khi thấy hình ảnh đó, dù điều này được xem là văn hoá CLB và bóng đá Nhật.   

Ở Nhật Bản, các cầu thủ ngoài luyện tập, thi đấu còn tham gia rất nhiều hoạt động bên ngoài sân cỏ của CLB cũng như các hoạt động xã hội để gắn kết với cộng đồng. Nhưng với Công Phượng thì đó lại là dấu ấn, trong quãng thời gian ở Nhật nhạt nhòa về chuyên môn.  

Sang Nhật Bản thi đấu cho CLB Mito Hollyhock với bản hợp đồng cho mượn 1 năm nhưng Công Phương ít được thi đấu mà nổi tiếng từ những hoạt động quảng cáo và thu hút sự quan tâm cho đội bóng.

Trong vai trò là Đại sứ giao lưu của tỉnh Ibaraki, Công Phượng còn làm cầu nối về các lĩnh vực kinh tế, du lịch giữa 2 quốc gia Việt Nam và Nhật Bản. Chính vì vậy mà dù không đóng góp nhiều về chuyên môn nhưng Công Phượng vẫn được phía đội bóng Nhật Bản đề nghị gia hạn hợp đồng sau khi thời giạn 1 năm kết thúc. 

 Công Phượng từng đi phát tờ rơi cho CLB ở Nhật Bản. Ảnh: Mito

Dù thường xuyên phải ngồi ghế dự bị nhưng cũng chính quãng thời gian ở Nhật Bản, được tập luyện trong môi trường chuyên nghiệp đã giúp Công Phượng trưởng thành hơn rất nhiều. Bóng đá Nhật Bản với sự chuyên nghiệp ở một tầm cao hơn so với Việt Nam đã khiến cầu thủ này học được nhiều. Sau khi trở về nước, Công Phượng vẫn chia sẻ rằng nếu có cơ hội vẫn muốn được ra nước ngoài thi đấu, bởi học hỏi từ các nền bóng đá phát triển từ sự chuyên nghiệp và đẳng cấp.

Công Phượng trở lại Việt Nam và có 2 mùa giải thi đấu tại V.League cho HAGL. Mùa 2019, Công Phượng có chuyến xuất ngoại thứ 2 khi gia nhập Incheon United của Hàn Quốc, cũng vẫn hợp đồng cho mượn 1 năm.

Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn khoác áo cho Incheon, tiền đạo của HAGL đã biết mình ở đâu. Anh không thể hiện được nhiều tại K.League dù xuất hiện trong đội hình Incheon khá đều đặn và sớm kết thúc hợp đồng trước thời hạn.  

 Công Phượng cũng không có được thành công ở Hàn Quốc. Ảnh: Incheon

Ông Nguyễn Tấn Anh – Trưởng đoàn CLB HAGL chia sẻ rằng Incheon đã thay đến 3 HLV, lối chơi của đội cũng thay đổi và kéo theo những khó khăn nhất định khiến cho Công Phượng không thể thích nghi được. Từ đó, lãnh đạo Incheon đã trao đổi với HAGL để thanh lý hợp đồng sớm cho Công Phượng.  

Và bây giờ, Phượng sẽ bắt đầu chuyến xuất ngoại thứ 3 cho một đội bóng ở Châu Âu là CLB Sint Truiden (Bỉ), với chuyến đi mà nhiều người sẽ lại đặt dấu hỏi về sự thành công tương ứng với số lần ra sân của Công Phượng.

Còn với riêng bầu Đức, chỉ cần cầu thủ xuất ngoại là thành công...

“Công Phượng sang Bỉ lần này, dù ngồi dự bị suốt giải, tôi cũng vui. Bởi điều đó sẽ cho cậu ấy... kinh nghiệm dự bị.

Nhưng dự bị có phải tập không? Có chứ, tập nhiều là đằng khác. Được ăn tập trong một nền bóng đá hàng đầu, tiếp xúc với cầu thủ đẳng cấp là điều khao khát với nhiều cầu thủ Việt Nam”.  

Vẫn biết, bầu Đức  là người “máu” và có tâm với bóng đá, đặc biệt ông luôn kỳ vọng đến mức ảo tưởng vào lứa cầu thủ khoá 1 Học viên HAGL như Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh… Thế nhưng câu chuyện xuất ngoại cầu thủ nếu chỉ để “dự bị cũng vui” sẽ là điều khiến những người làm chuyên môn phải suy nghĩ và thấy cay cay mũi...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn