MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các nữ cầu thủ trẻ Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nam. Ảnh: M.Đ

Đào tạo bóng đá nữ: Phải thực sự là một nghề

MINH ĐỨC LDO | 19/02/2022 10:36
Khi có chế độ đãi ngộ, đào tạo tốt và một định hướng tương lai rõ ràng, bóng đá nữ Việt Nam có lẽ sẽ không còn chuyện cầu thủ trẻ phải bỏ đi làm công nhân, hoặc đi lấy chồng vì không theo nổi nghề.

Quyết theo đuổi một tương lai nghiêm túc

Phía dưới những khán đài sân vận động tỉnh Hà Nam là những căn phòng thi đấu được sửa sang lại để làm nơi ở cho tuyến trẻ của Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nam. Dù không thiếu thốn nhưng trong hoàn cảnh “tận dụng” chờ khu vực nhà vận động viên hoàn thành trong năm 2022, khu nhà ở vẫn còn nhiều hạn chế. Nhưng quan trọng nhất, trong những căn phòng đó là niềm hạnh phúc của những cô gái nhỏ - tương lai của bóng đá nữ Việt Nam.

Đến với Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nam sau thời điểm Tết Nhâm Dần, thầy trò cô Nguyễn Thị Khánh Thu đã sớm lao vào tập luyện để chuẩn bị cho giải vô địch U.19 Quốc gia 2022. Nói là chuẩn bị cho giải U.19, nhưng nhìn trên sân tập, các em đa số đang ở độ tuổi 17-18, thi đấu đầy hồn nhiên và nhiệt huyết. Ở những gương mặt ấy, người ta nhìn thấy niềm vui và cả những cố gắng.

Vui, bởi đây thực sự là đam mê của các em, còn cố gắng là bởi các em coi đó là tương lai nghiêm túc. Huấn luyện viên trưởng đội U.19 Phong Phú Hà Nam - Nguyễn Thị Khánh Thu chia sẻ, các học trò của cô coi bóng đá là một nghề nên quyết tâm theo đuổi, thậm chí khi về nhà nghỉ còn muốn xin lên đội sớm vì “có các bạn vui hơn”. Bóng đá giờ là sự nghiệp của các em, cũng là cách để các vận động viên trẻ giúp đỡ gia đình.

Đào Thị Hồng Châm, vận động viên sinh năm 2005 có quê ở Tuyên Quang được giới thiệu xuống Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nam, thừa nhận cô xuống đây có điều kiện sinh hoạt tốt và còn có khả năng gửi tiền về cho gia đình.

“Ở đây, điều kiện tốt, sinh hoạt cũng ổn nên gia đình tôi cũng thoải mái. Hồi đầu thì vất vả hơn vì xa gia đình nhớ lắm cũng muốn về nhà, nhưng ở lâu rồi cũng quen. Giờ Tết về, tôi lại nhớ Trung tâm vì ở nhà buồn. 2 năm trước, bố mẹ cũng bắt về vì thời điểm đó tôi đang chấn thương, nhưng tôi xin ở lại, mãi rồi gia đình cũng cho. Tôi cũng nói “Con đã chọn nghề này, đi theo đam mê nên xin bố mẹ hãy cho con theo đến cùng”, Châm chia sẻ hồn nhiên nhưng cũng đầy nghiêm túc. Trường hợp của Châm có lẽ là ước mơ của rất nhiều nữ cầu thủ trẻ. Bởi với họ, đi đá bóng vẫn còn đảm bảo đời sống hơn đi làm công nhân. 

Nhớ lại thời điểm hồi tháng 3.2020, do ảnh hưởng của COVID-19, nhà tài trợ của câu lạc bộ nữ Sơn La rút lui, các cầu thủ bị cắt đến 80% lương, chỉ còn trung bình 1,6 triệu mỗi tháng, người nhận lương cao nhất cũng chỉ chưa đến 3 triệu đồng/tháng. Từ hoàn cảnh ấy, phần lớn cầu thủ chuyển sang làm công nhân, hoặc về quê lấy chồng.

Đến trước khi được tập đoàn T&T “cứu”, câu lạc bộ Thái Nguyên cũng từng trước nguy cơ giải thể vì thiếu kinh phí. Thời điểm đó, mức lương 3-4 triệu đồng/tháng bị xem nhẹ khi đặt cạnh con số 6-7 triệu khi đi làm công nhân ở các khu công nghiệp.

Các cô gái ở đội nữ Thái Nguyên đa số đều xuất thân từ những vùng quê nghèo, quyết tâm dùng bóng đá để giúp đỡ gia đình. Nhưng với việc đội bóng không tìm được nhà tài trợ thường xuyên khiến các cầu thủ luôn phải sống trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn. 

Chuyện đào tạo đâu dễ

Ghi nhận tại Trung tâm Huấn luyện TDTT Hà Nội, hiện đang có 5 đội, bao gồm nhóm năng khiếu, U.14, U.17, đội Hà Nội 2 và Hà Nội 1, còn tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nam chia làm 3 tuyến bao gồm năng khiếu (12-14 tuổi), trẻ (16-19 tuổi) và đội 1 đá giải vô địch quốc gia.

Trước sự cạnh tranh khốc liệt từ các lò đào tạo, câu chuyện đầu vào giờ cũng một bài toán với nhiều Trung tâm. Hà Nam lợi thế là địa phương có truyền thống về bóng đá nữ, do đó lượng vận động viên có từ trong tỉnh vẫn chiếm số đông. Theo tìm hiểu, tại xã Xuân Khê (Lý Nhân) hay huyện Duy Tiên, phong trào bóng đá nữ của nhiều xóm được diễn ra hằng năm và trở thành cơ sở chọn đầu vào cho Trung tâm tỉnh.Tuy nhiên, những năm gần đây, phạm vi tuyển chọn cũng được mở rộng ra cả nước.

Ông Phạm Hải Anh - Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nam khẳng định, việc tuyển chọn gặp nhiều khó khăn hơn trước. Bởi, đối tượng tuyển chọn thường là ở các vùng nông thôn, gia đình đông con và kinh tế khó khăn. Khi có chính sách dân số, mặt bằng kinh tế chung nâng cao, các gia đình thường hướng các con đi theo ngành khác. Do đó, để không bỏ sót nhân tài, những thầy cô cần phải có tâm, có tầm, có kỹ năng sống và cả “giác quan thứ 6” trong nghề huấn luyện mới có thể tìm kiếm, dạy dỗ tốt những nhân tài thể thao của đất nước.

Bóng đá nữ có đặc thù là các cầu thủ ít va chạm với môn thể thao này từ sớm, phần nhiều là lấy từ tố chất điền kinh, ví dụ như nhanh nhẹn, bật xa tốt. Đó là cơ sở để tuyển chọn các vận động viên, và bởi cái khó ấy, người huấn luyện cần rất nhiều kinh nghiệm và sự nhạy bén trong quá trình tuyển chọn. Đến khi đã tuyển được người, các cô cũng phải tinh ý, bởi dạy những đứa trẻ 10 tuổi không chỉ là chuyên môn, mà còn là “bảo mẫu” lo đời sống cho các em.

Nhìn cái cách mà thầy Hải Anh hay cô Thu vừa nghiêm khắc, vừa vui vẻ, nhẹ nhàng khi nói chuyện với các “cô gái mới lớn” tuổi chưa đến 18, người ta mới hiểu rằng, làm nghề huấn luyện này cần tỉ mỉ và nhẫn nại đến nhường nào. Bởi, ở “cái tuổi ương bướng”, đôi khi chỉ nói nặng cũng khiến các vận động viên trẻ tủi thân, bỏ về nhà.

“Tôi cũng là nữ, có chức năng của người mẹ. Thuận lợi của tôi là giữa cô trò với nhau thì sẽ dễ dàng để chia sẻ. Huấn luyện viên nữ ít hơn huấn luyện viên nam, đôi khi huấn luyện viên nam trực nhưng những cái sâu sát như vào phòng ở các cháu thì không tiện. Các cô thì có thể thường xuyên vào ăn ngủ cùng các vận động viên để hiểu các cháu. 

Tâm sinh lý của nữ đặc thù, cần nhẹ nhàng và có kinh nghiệm trong việc động viên. Phải nắm bắt được tâm lý các cháu, sau đó phối hợp cùng gia đình gỡ rối. Thời điểm các cháu đang tuổi cấp 2 thì rất nghịch ngợm, nếu không hiểu tâm sinh lý và khéo léo mà nói nặng thì cháu cũng xách balo đi về. Thậm chí, có những cháu có biểu hiện không tập vì nhiều lý do, các thầy cô cũng cần sát sao để nắm bắt và giải quyết”, cô Nguyễn Thị Khánh Thu - huấn luyện viên U.19 Phong Phú Hà Nam chia sẻ. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn