MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đào tạo bóng đá nữ trẻ Việt Nam: Thuận lợi ít, khó khăn nhiều

AN NGUYÊN LDO | 09/02/2022 16:09

Bất chấp nhiều thành công đạt được, bóng đá nữ Việt Nam vẫn còn rất nhiều khó khăn, đặc biệt là trong công tác đào tạo trẻ. 

Khó khăn thuyết phục gia đình

Việc thuyết phục các vận động viên theo nghiệp bóng đá luôn gặp trở ngại từ các gia đình. Ngay ở thời điểm hiện tại, mức thu nhập của cầu thủ nữ cũng không có vượt trội đáng kể so với các nghề nghiệp thông thường. Tình trạng cầu thủ nữ nghỉ thi đấu đi làm công nhân hoặc đi học nghề không thiếu. 

Tình trạng kéo dài trong nhiều năm qua càng khiến các gia đình e ngại trong việc cho con em mình đi tập bóng đá. Ở địa phương đặc thù như Sơn La, việc tuyển chọn vận động viên nữ cũng không dễ chút nào, dù các cháu nhỏ đã được lo ăn ở, học hành ngay từ bé.

Công tác đào tạo bóng đá nữ trẻ còn gặp nhiều khó khăn. Ảnh: VFF

Khi chọn được cầu thủ thì các huấn luyện viên phải lặn lội sâu vào bản làng để thuyết phục phụ huynh đồng ý cho con xuống thành phố Sơn La ăn ở, tập luyện. Nhiều gia đình từ chối thẳng thừng để yêu cầu con gái học cho xong đi làm công nhân, đi nương rẫy hoặc ở nhà lấy chồng.


Bởi vậy, việc tìm được và đào tạo ra một tuyển thủ quốc gia như Đinh Thị Duyên được xem là một kì tích với bóng đá nữ Sơn La. Cô sinh ra tại bảng Bông, xã Tân Phong, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La. Năm 2017, khi tập trung đội tuyển tại Hà Nội, Duyên phải đi thuyền vượt sông, đi xe máy đến bến xe, bắt xe khách xuống thành phố Sơn La rồi từ Sơn La xuống Hà Nội. 

Hoặc, địa phương có điều kiện tốt như Hà Nội lại gặp khó khăn theo kiểu "không nói ra thì không ai tin". Các vận động viên ở Trung tâm huấn luyện Thể dục thể thao Hà Nội được chăm sóc, lo toàn bộ chế độ ăn ở, học hành từ bé. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, việc đỗ đại học trở nên dễ dàng hơn khiến tình trạng các vận động viên ở độ tuổi 17, 18 quyết định nghỉ bóng đá đi học đại học rất nhiều.


Trao đổi với Lao Động, ông Đỗ Văn Nhật, Phó Trưởng ban bóng đá nữ VFF, trưởng bộ môn bóng đá của Sở Văn hoá – Thể thao Hà Nội xác nhận: "Đúng thật như vậy. Chúng tôi mất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc nhưng khi học đại học bây giờ dễ quá thì các em vẫn lựa chọn. Nếu như thế, chúng tôi cũng khó can thiệp được".

Cần thêm nhiều cú hích

Khác với bóng đá nam, bóng đá nữ vẫn phụ thuộc nhiều vào ngân sách địa phương hơn là các nguồn xã hội hoá. Trước đây, tiền công tập luyện cho các vận động viên được tính mức 80.000 đồng/ngày, khi thi đấu thì cao hơn một chút. Cầu thủ trẻ thậm chí chỉ nhận 40.000 đồng/ngày. Chuyện đi đá bóng thu nhập thấp hơn làm công nhân là có thật.

Nhưng trong khoảng thời gian gần đây, khi Nghị định 152/2018/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 86/2020/TT-BTc của Bộ Tài chính đã mở ra một chương mới. Trong thời gian tập trung thi đấu tại giải thể thao thành tích cao, chế độ dinh dưỡng như sau: Đội tuyển trẻ quốc gia, Đội tuyển cấp tỉnh, ngành được hưởng 320.000 đồng/người/ngày; Đội tuyển trẻ cấp tỉnh, ngành: 240.000 đồng/người/ngày.


Về chế độ tiền công, các vận động viên tuyến trẻ cấp tỉnh nhận mức 80.000 đồng/ngày, số tiền này với các vận động viên động viên đỉnh cao cấp tỉnh là 180.000 đồng/ngày. Con số tăng gần gấp đôi, cộng với các khoản phụ cấp khác, cầu thủ nữ đã có thể yên tâm hơn khá nhiều. 

VFF xây dựng cơ chế đào tạo các đội dự tuyển nữ trẻ quốc gia. Ảnh: VFF 

Ngoài ra, VFF cũng đã tổ chức các đội dự tuyển nữ trẻ quốc gia với chế độ sinh hoạt, tập luyện khá tốt. Nhiều gia đình ở các địa phương miền Trung như Nghệ An, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Hà Tĩnh,…tin tưởng để gửi con em ra Hà Nội tập luyện.

Tất nhiên, để bóng đá nữ thực sự trở nên hấp dẫn, vẫn cần thêm nhiều cú hích đầy sức nặng khác. World Cup, cơ hội đổi đời, những khoản tiền thưởng và sự chú ý của dư luận,…có thể khiến cho “nghề” cầu thủ nữ được trân trọng hơn. Chỉ khi ấy, bóng đá nữ mới có thể vượt qua những định kiến và vươn lên tầm cao mới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn