MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
HLV Park Hang-seo đã thay đổi ĐT Việt Nam với sơ đồ 3-4-3 Ảnh: HOÀI THU

Di sản của thầy Park sau 2 năm nắm đội tuyển Việt Nam

HOÀI THU LDO | 29/09/2019 15:30
Tròn 2 năm từ khi HLV Park Hang-seo đến, đội tuyển Việt Nam đã lột xác một cách ngoạn mục, với hệ thống sơ đồ 3-4-3 và 3-5-2.

Từ Toshiya Miura tới Hữu Thắng

Trước khi HLV Park Hang-seo tới, Việt Nam thi đấu với 2 sơ đồ chiến thuật hoàn toàn khác nhau.

HLV Toshiya Miura dùng sơ đồ 4-5-1 và ở hệ thống này, ông cần 2 tiền vệ cánh cực nhanh, sẵn sàng xâm nhập vòng cấm tạo ra những điểm cắt. Võ Huy Toàn chính là điển hình, khi cầu thủ chạy cánh này trở thành một thứ vũ khí lợi hại với những pha bứt tốc, đột nhập vòng 16m50 dứt điểm như một tiền đạo.

HLV Hữu Thắng thì hoàn toàn khác, ông hướng đến một thế trận tấn công, kiểm soát bóng với sơ đồ 4-3-3, 4-1-4-1. Đội tuyển Việt Nam dưới thời Hữu Thắng chơi bóng ngắn, nhỏ và luôn chủ động kiểm soát thế trận, áp đặt với đối phương.

Đến thời HLV Park Hang-seo, các đội tuyển từ U23 đến ĐTQG chơi theo hệ thống 3-4-3 hay 3-5-2, và tìm ra công chiến thắng.

Dưới thời HLV Park Hang-seo, các cầu thủ phải chơi được ở nhiều vị trí khác nhau và sẵn sàng thích nghi với sơ đồ mà ông thầy người Hàn Quốc đề ra Ảnh: HOÀI THU

Các cầu thủ phải đa năng

Đó là yêu cầu gần như bắt buộc của HLV Park Hang-seo với các cầu thủ trên tuyển Việt Nam. Cầu thủ càng chơi đa năng, nhiều vị trí thì càng được ông yêu thích, tin dùng.

Khi một cầu thủ chấn thương, ông thầy người Hàn luôn có sẵn phương án 2 và thậm chí là phương án 3. Đây chính là điều giúp ông gây ra bất ngờ, khó khăn cho đối thủ, trong nhiều tình huống.

Việc các cầu thủ chơi đa năng được còn giúp ông Park thay đổi chiến thuật theo từng thời điểm của trận đấu và có thể đưa ra những yêu cầu rất linh động về chiến thuật. Nó giúp đội tuyển Việt Nam dưới thời vị chiến lược gia người Hàn Quốc ít bị dính phản công hơn, chuyển trạng thái tấn công và phòng ngự nhanh hơn.

Không phải ngẫu nhiên Hà Đức Chinh luôn được HLV Park Hang-seo trọng dụng Ảnh: HOÀI THU

Tiền đạo phòng ngự

Có nhiều người thắc mắc tại sao Đức Chinh dù dứt điểm rất kém nhưng vẫn được gọi lên ĐTQG và U22? Để giải thích được điều này, hãy nhìn vào những yêu cầu của một tiền đạo trong sơ đồ 3-4-3 và 3-5-2 của ông Park.

Hệ thống này đòi hỏi cầu thủ chơi ở vị trí cao nhất phải có thể lực sung mãn, áp sát cầu thủ phòng ngự đối phương ngay từ phần sân nhà khiến đội bạn không thể dễ dàng triển khai bóng. Ngoài ra thì tiền đạo dưới thời ông Park luôn phải lùi về phần sân nhà hỗ trợ phòng ngự một cách tối đa.

Trần Đình Trọng dưới thời HLV Park Hang-seo trở thành trái tim nơi hàng phòng ngự bởi khả năng đọc tình huống tốt cũng như khả năng phán đoán tình huống, can thiệp bóng dứt khoát Ảnh: HOÀI THU

Hàng phòng ngự 3 người và triển khai bóng từ tuyến dưới

HLV Park Hang-seo dùng 3 trung vệ, có trung vệ thòng. Hàng thủ trong sơ đồ 3-4-3 của ông Park có thể chuyển thành 5-2-3, 5-4-1 trong tùy tình huống. 2 tiền vệ biên có thể lùi về kết hợp cùng hậu vệ cánh thành hàng phòng ngự 5 người.

Khi đoạt được bóng, trung vệ thòng cũng là người tổ chức phân phối bóng, chia bóng lên tuyến trên. Điều này đòi hỏi cầu thủ này phải có óc phán đoán tình huống cực tốt và dứt khoát trong việc can thiệp lấy bóng, áp sát đối phương. Ngoài trung vệ ở giữa ra, hậu vệ trái hoặc phải cũng cần có khả năng phát động tấn công để dễ dàng chuyển trạng thái từ phòng ngự sang tấn công. Quế Ngọc Hải khi đá cùng Đình Trọng cũng thường xuyên có những đường chuyền vượt tuyến như thế này.

Tròn 2 năm với bóng đá Việt, ông Park đã xây dựng được một đường ray với những công thức chiến thắng. Đó là điều cực kỳ giá trị, có thể coi là một di sản để giữ gìn, phát huy và giúp các đội tuyển cứ thế "chạy"...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn