MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

“Đình Trọng đừng vội vàng mà phải trả giá đắt như tôi”

KHẮC ANH LDO | 03/09/2020 14:26

Tiền vệ Thế Dương của Hải Phòng đã trải lòng về những biến cố trong sự nghiệp sau nhiều ca chấn thương nghiêm trọng.

“Tôi cũng không biết bắt đầu câu chuyện từ đâu nữa, chỉ biết nói rằng sự nghiệp của mình là chuỗi của những ca chấn thương dài hạn. Tôi phí 3 năm vì 2 chấn thương đầu gối rất nặng mà phần lỗi lớn nhất là ở mình. Tôi để lỡ quá nhiều thứ chỉ vì sự vội vàng và thiếu hiểu biết“, tiền vệ Nguyễn Thế Dương trầm ngâm.

Mới đây, người hâm mộ khá sốc trước thông tin Đình Trọng phải lên bàn phẫu thuật lần thứ 3 chỉ trong 2 năm. Chấn thương của Trọng đến từ việc anh vào sân ở vòng chung kết U23 Châu Á 2020 khi chưa bình phục hoàn toàn. Trung vệ sinh năm 1997 thực hiện ca phẫu thuật dây chằng và sụn chêm vào tháng 6.2019 nhưng đến tháng 1.2020 đã vào sân thi đấu.

 Đình Trọng phải phẫu thuật lần thứ 3 trong vòng 2 năm. Ảnh: T.L

Bóng đá Việt Nam cũng từng ghi nhận nhiều trường hợp do trở lại sớm sau khi phẫu thuật nên trả giá như Thế Dương khi còn khoác áo câu lạc bộ Thanh Hoá chẳng hạn. Kết thúc V.League 2013, vì muốn tìm kiếm cơ hội lên U23 Việt Nam tham dự SEA Games nên Dương liều lĩnh thi đấu cho U21 Hải Phòng theo dạng cho mượn. Đen đủi với cầu thủ sinh năm 1991 khi bị đứt 3 dây chằng đầu gối, tổn thương sụn chêm. Phẫu thuật và điều trị chưa đến 6 tháng, Dương đã trở lại V.League 2014 trong sự ngỡ ngàng của nhiều người. Đây lại chính là tai hoạ mà anh không ngờ tới, tiếp tục đứt thêm 2 dây chằng và vỡ sụn chêm ở chân còn lại.

Nhắc lại quá khứ, Thế Dương chia sẻ: “Tôi không thể biết cụ thể trường hợp của Đình Trọng thế nào. Nhưng nếu đứt dây chằng và rách sụn chêm thì rất nguy hiểm.

Khi đó còn trẻ, có sức và nghĩ rằng mình có thể vào sân đá được, nhất là khi lại vừa kí hợp đồng mới có giá trị. Lãnh đạo cũng hỏi han rất nhiều bởi vị trí của tôi chưa có người thay thế, vậy là tôi lại càng quyết tâm thi đấu, rồi lần chấn thương sau khó hồi phục hơn lần đầu. Nghiệm lại, tôi nghĩ rằng sức khoẻ đã đánh lừa mình, tôi mới chỉ đạt 70% trạng thái cơ thể để thi đấu”.

 Tiền vệ Thế Dương từng trải qua những ca chấn thương nặng, tương tự như trường hợp của Đình Trọng. Ảnh: T.S

Các bác sĩ tiên lượng rằng Thế Dương khó có thể trở lại với bóng đá bởi cả 2 chân đều gặp đa chấn thương. Anh cũng nghĩ rằng duyên với bóng đá thế là hết, số tiền tiết kiệm ít ỏi bắt đầu được toan tính cho việc đi học nghề. Nhưng cầu thủ này quyết định thử sức thêm một lần nữa, cứ mỗi buổi chiều, anh đạp xe đạp từ thành phố xuống Sầm Sơn tập luyện theo chỉ dẫn của bác sĩ. Qua vài tháng, chân của Thế Dương dần ổn định hơn và quyết định tái xuất ở V.League 2016. Đến thời điểm này trong màu áo Hải Phòng, người ta hầu như đã quên đi những chấn thương của Thế Dương.

Tiền vệ 29 tuổi tâm sự: “Tôi nghĩ rằng Đình Trọng vẫn may mắn hơn nhiều cầu thủ cách đây 6-7 năm. Cậu ấy có điều kiện phục hồi rất tốt, có thể gia tăng sức mạnh các nhóm cơ để đỡ lại cho đầu gối bị tổn thương. Theo kinh nghiệm của tôi thì lần này Đình Trọng hãy thật kiên nhẫn, chữa trị dứt điểm dù có mất thời gian đi nữa. Mình mất thêm 4-5 tháng nhưng đổi lại là 4-5 năm sự nghiệp khoẻ mạnh.

Tôi chỉ muốn nhắn nhủ với các đồng nghiệp rằng, đừng bao giờ vì bất cứ lý do gì mà vội vàng vào sân khi gặp những chấn thương nặng. Đình Trọng hay bất kì ai cũng đừng vội vàng để rồi trả giá vì thiếu hiểu biết như tôi”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn