MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
V.League 2021 dừng lại do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Ảnh: VPF

Dừng V.League 2021, cầu thủ lo lắng chuyện "cơm áo gạo tiền"

AN NGUYÊN LDO | 22/08/2021 13:12
Các cầu thủ V.League đối diện với nhiều khó khăn về đời sống và kinh tế khi giải đấu bắt buộc phải dừng lại.

Chưa rõ tương lai thế nào

V.League 2021 có thể sẽ phải dừng lại, sau khi Ban chấp hành Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) đi đến thống nhất giao nhiệm vụ cho VPF nói chuyện với 14 đội bóng về khả năng này. Đây là kết cục không ai mong muốn bởi V.League là mặt chân đế giúp tuyển Việt Nam có thể phát huy sức mạnh. Nhưng giờ V.League đã bị huỷ, nhiều cầu thủ còn chưa biết tương lai mình ra sao.

Từ Cộng hoà Czech, tiền vệ Mạc Hồng Quân chia sẻ với Lao Động: “Tôi cũng vừa nghe thông tin V.League hoãn. Hiện giờ thực sự cũng chưa biết phải như thế nào. Thực tế Than Quảng Ninh đã nghỉ tập khá lâu rồi. Nếu như V.League diễn ra vào tháng 2 thì còn có cái để chờ đợi, chứ bây giờ giải dừng lại thì tôi cũng không biết giai đoạn tiếp theo chuyện gì sẽ đến”.

Ít nhất, Mạc Hồng Quân vẫn là một ngôi sao và có tích luỹ nhất định. Ngoài ra, anh vẫn là cầu thủ còn hợp đồng dài hạn với Than Quảng Ninh nên ít nhất cũng không rơi vào cảnh “bơ vơ”. Nhưng nhiều cầu thủ coi thu nhập bóng đá là nguồn sống của gia đình, câu chuyện còn đáng ngại hơn.  

Các cầu thủ V.League gặp nhiều khó khăn khi giải vô địch quốc gia bị dừng lại. Ảnh: VPF

Không may mắn như vậy, sẽ có khoảng 15 cầu thủ của câu lạc bộ Hải Phòng hết hợp đồng khi mùa giải này kết thúc. Như vậy, nếu bầu Hoàn quyết định chia tay tất cả, họ nghiễm nhiên sẽ thành người thất nghiệp giữa mùa dịch. Trong số này, có một vài cầu thủ gia cảnh tương đối khó khăn.

Trong hoàn cảnh này, những cầu thủ vừa “chân ướt, chân ráo” lên chơi V.League là đối tượng bị tổn thương nặng nề nhất. Thông thường, họ nhận mức lương cực thấp, có thể còn không bằng nhân viên văn phòng. Giờ tiếp tục bị giảm, hoặc có thể bị nợ lương thì việc gặp khó khăn trong cuộc sống thường nhật là hiển nhiên.

Âu lo về tiền bạc, về nhiều thứ

“Chúng tôi cũng xác định có nguy cơ ảnh hưởng lớn đến thu nhập cả về lương, thưởng lẫn lót tay. Ai cũng biết Than Quảng Ninh gặp nhiều khó khăn trước đó chứ không phải chỉ riêng thời điểm này. Tôi sẽ chờ thêm vài ngày để biết được quyết định của ban lãnh đạo câu lạc bộ ra sao rồi mới tính tiếp” - Mạc Hồng Quân buồn rầu.

Trong khi đó, tiền vệ Hải Huy tỏ ra chán nản: “Nhiều người nghĩ cầu thủ có thu nhập cao, nhưng đâu phải ai cũng như ai. Đội tôi đã nợ lương 4 tháng còn chưa biết khi nào mới nhận. Nếu còn thi đấu, tập luyện duy trì, thêm khoản lương trợ cấp thì cũng đủ sống. Nhưng như tôi hết hợp đồng rồi, coi như không có câu lạc bộ cho đến khi giải mới bắt đầu, cũng không có lương luôn”.

Thu nhập của các cầu thủ bị ảnh hưởng nhiều nếu không thi đấu. Ảnh: VPF

Thủ thành kỳ cựu Đinh Xuân Việt của câu lạc bộ Nam Định giãi bày: “Từ giờ đến mùa giải mới cũng phải vài tháng, không có thu nhập hàng tháng thì sẽ rất khó khăn bởi cầu thủ hầu như là lao động chính trong gia đình. Kiếm việc làm ngoài bóng đá bây giờ không dễ đâu, nhiều người không biết làm gì ngoài bóng đá cả".

Dù hoàn cảnh khó khăn như vậy, nhưng nhìn chung các cầu thủ tại V.League không quá bi quan. Chuỗi ngày dài sống trong đại dịch khiến tất cả hiểu rằng cần phải linh hoạt để có thể nuôi sống bản thân và gia đình. Dịch bệnh khiến bóng đá dừng lại, đó là thực tại mà tất cả cần phải chấp nhận, dù không muốn.

“Tôi lặng người khi nghe V.League bị huỷ bỏ. Buồn lắm, nhưng làm sao bây giờ, dịch bệnh quá phức tạp, khó mà tổ chức thể thao được. Cầu thủ thiệt thòi lắm, nhưng vì cái chung thôi. Tôi nghĩ rằng xã hội giờ còn quá nhiều người khổ hơn mình” - trung vệ Nguyễn Thanh Long của câu lạc bộ Bình Dương tâm sự.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn