MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đội tuyển nữ Việt Nam giành vé dự World Cup 2023. Ảnh: AFC

Giành vé đến World Cup, bóng đá nữ Việt Nam có thoát nghèo?

PHẠM ĐÌNH LDO | 07/02/2022 12:33

Bóng đá nữ Việt Nam đã chinh phục thành công mục tiêu dự World Cup, và câu hỏi đặt ra là: bao giờ thoát nghèo?

Sở dĩ đặt câu hỏi như thế bởi "cái nghèo" chính là yếu tố đang khiến việc phát triển bóng đá nữ Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Và chỉ có cú hích World Cup mới mở ra hi vọng để thoát nghèo. 

Câu chuyện khó khăn của bóng đá nữ Thái Nguyên (2019), bóng đá nữ Sơn La (2020) là một ví dụ điển hình. Nhiều cầu thủ bỏ đi làm công nhân, vì thu nhập thấp, không đủ đáp ứng cuộc sống mà nhiều người nhận làm thêm nhiều công việc khác ngoài bóng đá. Các đội bóng có thời điểm đứng trước nguy cơ giải thể. Chỉ đến khi có nhà tài trợ, đội mới duy trì hoạt động trở lại. 

Huấn luyện viên Mai Đức Chung từng trăn trở về bóng đá nữ Việt Nam luôn phải chịu thiệt thòi, chế độ cho các em còn thấp, không thể đảm bảo được điều kiện sống tốt. Dù chế độ của ngành thể thao và VFF dành cho đội nam, nữ như nhau, nhưng việc các nhà tài trợ không mặn mà khiến cho các học trò của ông Chung vì thế mà thiệt thòi nhiều.

"Nhìn các em, các cháu chăm chỉ tập luyện, ham thi đấu mà thương, bởi chế độ không có nhiều. Tôi vẫn mong muốn các cầu thủ được tăng thêm chế độ để yên tâm tập luyện, thi đấu, để bóng đá nữ có cơ hội phát triển hơn, rộng rãi hơn", ông Chung từng chia sẻ. 

Chuyện thầy trò ông Mai Đức Chung thường xuyên tham dự các giải đấu trước những khán đài trống vắng là điều không xa lạ. Các cô gái luôn tự an ủi nhau để cống hiến, để có huy chương và để "cải thiện cuộc sống". 

Huấn luyện viên Mai Đức Chung còn nhiều trăn trở với bóng đá nữ Việt Nam. Ảnh: VFF

Câu chuyện ám ảnh từng được ông Chung chia sẻ sau chức vô địch SEA Games 2017 của đội tuyển nữ Việt Nam khiến nhiều người giật mình: “Thu nhập của các cầu thủ bóng đá nữ chỉ khoảng 2 triệu đồng/tháng".

Sau khi giành huy chương vàng ở kỳ SEA Games này, tổng số tiền thưởng mà đội tuyển nữ Việt Nam nhận được là gần 4 tỉ đồng. Con số không thấm vào đâu so với số tiền thưởng mà bóng đá nam nhận được ở các giải quốc tế khi có thành tích.

Nhưng khi các cầu thủ được thông báo mức thưởng, họ đã reo hò sung sướng như được nhận thêm chiếc huy chương vàng thứ 2. "Tôi cũng ứa nước mắt vì nhờ đó mà có một số cầu thủ đổi đời. Nhiều cháu tâm sự với tôi rằng, cả đời chưa bao giờ nhận được số tiền lớn như thế", ông Chung nói. 

Phải đến sau chức vô địch SEA Games 2019, bóng đá nữ Việt Nam mới nhận được nhiều hơn sự quan tâm của các nhà tài trợ. Số tiền thưởng lên đến hơn 20 tỉ đồng. Thế nhưng, đó cũng chỉ là những khoản thưởng "nóng". Để bóng đá nữ Việt Nam có thể phát triển bền vững cần đến việc nâng tầm các câu lạc bộ và hệ thống giải trong nước. 

Cuối năm 2019, VFF đã nhận gói tài trợ 100 tỉ đồng của một doanh nghiệp bất động sản trong vòng 5 năm để phát triển bóng đá nữ, đặt mục tiêu đến World Cup. Huấn luyện viên Mai Đức Chung từng chia sẻ, ông sẽ đề xuất VFF chuyển một ít tiền tài trợ xuống các câu lạc bộ để hỗ trợ đào tạo trẻ. Đấy sẽ là những nơi cung cấp nguồn lực kế cận cho đội tuyển quốc gia. Thế nhưng, gói hỗ trợ này vẫn chủ yếu dành cho các đội tuyển nữ quốc gia.

Nhìn vào hệ thống các giải vô địch quốc gia, cúp quốc gia dành cho bóng đá nữ, chúng ta không thấy nhiều bóng dáng của các doanh nghiệp tham gia tài trợ. Đã 10 năm qua, chỉ có Công ty TNHH Thương mại Thiết bị điện Thái Sơn Bắc là đơn vị tài trợ chính cho giải vô địch nữ quốc gia. 

Bóng đá nữ hiện tại chỉ phát triển mạnh ở các địa phương: Hà Nội, TPHCM, Hà Nam, Quảng Ninh... Và nhiều lần huấn luyện viên Mai Đức Chung than thở về việc khó tìm thế hệ kế cận. Câu chuyện đào tạo luôn đối diện nhiều khó khăn, bất cập.

Với việc chinh phục thành công giấc mơ World Cup, hy vọng đây là cú hích để bóng đá nữ Việt Nam được đầu tư mạnh mẽ hơn cho một lộ trình phát triển bền vững. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn