MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Park sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi không có sự phục vụ của trợ lý ngôn ngữ Lê Huy Khoa tại vòng chung kết U23 châu Á. Ảnh: HOÀI THU

HLV Park Hang-seo đã từng gặp khó như thế nào khi thiếu "cánh tay trái"?

Đông Đông LDO | 26/12/2019 11:50
Việc mất đi "cánh tay trái" là trợ lý ngôn ngữ Lê Huy Khoa tại vòng chung kết U23 Châu Á 2020 sẽ khiến huấn luyện viên Park Hang-seo gặp nhiều khó khăn.

Nếu như trợ lý Lee Young-jin được coi là "cánh tay phải" của huấn luyện viên Park Hang-seo thì vai trò của trợ lý ngôn ngữ Lê Huy Khoa cũng được đánh giá quan trọng không kém. Nhiều người ví ông giống như "cánh tay trái" của ông Park, bởi sự đồng cảm cũng như hiểu biết.

Hôm qua 25.12, trợ lý Lê Huy Khoa thông báo sẽ không đồng hành cùng huấn luyện viên Park Hang-seo tại vòng chung kết U23 châu Á. Điều này sẽ khiến vị chiến lược gia người Hàn Quốc gặp không ít khó khăn, như từng gặp cách đây 1 năm.

Giao tiếp cùng các học trò trong cuộc sống đời thường

Việc phiên dịch trên sân tập là điều rất quan trọng nhưng việc giao tiếp với các học trò trong cuộc sống thường ngày cũng quan trọng không kém. Nó giúp huấn luyện viên hiểu các học trò hơn và ngược lại.

Giao tiếp còn giúp học trò tại U23 Việt Nam hiểu về văn hóa, tác phong làm việc, thậm chí là những cử chỉ trêu đùa vui vẻ... từ huấn luyện viên Park Hang-seo.

Ông Park luôn yêu cầu trợ lý ngôn ngữ phải theo sát hành động, câu nói của ông trong sinh hoạt cũng như tập luyện. Ảnh: HOÀI THU

Trợ lý ngôn ngữ Lê Huy Khoa từng tiết lộ rằng ông phải phiên dịch cho ông Park cả lúc đang ăn. Vì đây là thời điểm vị chiến lược gia người Hàn truyền tải cách ăn uống sao cho hợp lý nhất, đủ dinh dưỡng nhất. Đặc biệt bữa ăn đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với cầu thủ chuyên nghiệp.

Bên cạnh đó, người phiên dịch cũng phải am hiểu văn hóa Hàn Quốc ra sao để có thể truyền tải đúng nhất thông điệp mà huấn luyện viên Park Hang-seo mong muốn. Ông Park cũng là người mang đậm bản sắc, giọng điệu văn hóa vùng phía Nam Hàn Quốc nên điều này càng quan trọng hơn.

Thông điệp và chiến thuật

Tại vòng chung kết U23 Châu Á 2018, khi cả đội gục xuống sau khi trận chung kết, ông Lê Huy Khoa là người đưa ra thông điệp: "Chúng ta đã cố gắng hết sức, tại sao phải cúi đầu".

Không phải người phiên dịch nào cũng đưa ra một thông điệp mang ý nghĩa ngắn gọn và đầy đủ, có sức mạnh cũng như khả năng lan tỏa lớn như thế. 

Tại trận đấu gặp Thái Lan thuộc vòng loại World Cup trên sân Mỹ Đình, huấn luyện viên Park Hang-seo đã có phát biểu sau trận đấu: "Trong trận đấu, tôi để ý thấy ông ta thỉnh thoảng lại quay sang cười mỉa tôi. Nếu ông ta thích, tôi sẵn sàng chiến đấu luôn".

Trợ lý ngôn ngữ Lê Huy Khoa là người rất hiểu điều ông Park muốn truyền tải. Ảnh: HOÀI THU

Tuy nhiên, theo tiết lộ của trợ lý ngôn ngữ Lê Huy Khoa, ông đã phải nói giảm đi rất nhiều nếu không muốn dùng nghĩa gốc của huấn luyện viên Park là sẵn sàng "đánh nhau" hay "lao vào đối thủ".

Từ "chiến đấu" vị trợ lý ngôn ngữ dùng nó nhẹ nhàng hơn và nhưng cũng không kém phần cứng rắn, truyền tải đầy đủ thông điệp mà ông Park muốn đưa ra trong tình huống đó.

Ngoài ra, việc phiên dịch phải am hiểu ngôn ngữ thể thao, bóng đá và truyền tải đúng tinh thần cũng là điều không dễ. Huấn luyện viên Park Hang-seo đã từng làm việc với 2 trợ lý khác ngoài ông Lê Huy Khoa. Dù đều là những người được đánh giá "có số má" trong làng phiên dịch tiếng Hàn nhưng cũng không làm vị chiến lược gia người Hàn vừa lòng. Thiếu đi "cánh tay trái", chắc chắn việc truyền tải thông điệp, chiến thuật của huấn luyện viên Park sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Trong bối cảnh ông Park cũng chỉ sử dụng được mỗi tiếng Hàn thì vai trò của trợ lý ngôn ngữ lại càng trở nên quan trọng để ông truyền tải thông điệp, ý chí, chiến thuật tới các học trò, đặc biệt ở một giải đấu lớn như vòng chung kết U23 Châu Á với tổng hòa các vấn đề U23 Việt Nam sẽ phải đối diện.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn