MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đội 1 Hoàng Anh Gia Lai mùa này chỉ đăng ký 26 cầu thủ, con số ít so với các đội tại V.League. Vì thế, nhiều cầu thủ do đội bóng đào tạo nên phải sang các đội khác theo dạng cho mượn. Ảnh: Nguyễn Đăng.

Hoàng Anh Gia Lai và câu chuyện nguồn cung vượt quá nhu cầu

NGUYỄN ĐĂNG LDO | 28/04/2021 16:11
Thành công của Hoàng Anh Gia Lai ở mùa bóng năm nay mang đến nhiều cảm xúc trái ngược cho những cầu thủ được đào tạo, trưởng thành nhưng phải ra đi tìm sự khẳng định ở một môi trường khác.

Chuyện của Lê Văn Sơn, Lê Minh Bình

Chiều 27.4, Lê Văn Sơn đã có trận ra mắt cho đội Bình Dương tại V.League 2021. Anh được đội bóng đất Thủ mượn từ Hoàng Anh Gia Lai đầu mùa nhưng vì sai sót… quên đăng ký của bộ phận văn phòng nên lỡ cơ hội thi đấu ở giai đoạn 1.

Văn Sơn sinh năm 1996, cùng lứa với Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường… Anh từng được xem là nhân tố tiềm năng ở vị trí chạy cánh phải. Nhưng sau khi lên đội 1 thì chững lại, chật vật tìm chỗ đứng tại Hoàng Anh Gia Lai. Sơn phải tìm cho mình hướng đi khác và Bình Dương là bến đỗ tiếp theo của anh theo dạng cho mượn, sau 1 mùa khoác áo TPHCM.

Trường hợp của Lê Minh Bình tương tự, khi chân sút trẻ này vốn được quy hoạch vào đội 1 dự V.League 2021. Tuy nhiên, Bình đã chọn khoác áo đội Công an Nhân dân ở Giải hạng Nhất 2021 vì hiểu rằng, việc chen chân ở hàng tấn công Hoàng Anh Gia Lai mùa này rất khó, với những Công Phượng, Văn Toàn, Brandao, Đại Dương, Bảo Toàn… Vì thế, anh tự tìm cho mình một hướng đi khác, mở ra cơ hội để tiếp tục ghi điểm với ông Park Hang-seo để có thể dự SEA Games cuối năm. Lúc này, Lê Minh Bình đã có 4 bàn thắng, để lại rất nhiều ấn tượng.

Lê Minh Bình, Đinh Thanh Bình, 2 trong số 11 cầu thủ Hoàng Anh Gia Lai đang thi đấu cho đội Công an Nhân dân theo dạng cho mượn. Ảnh: Anh Duy.

Một trường hợp tiêu biểu khác là Lê Phạm Thành Long của Thanh Hóa. Anh cũng là thành viên khoá I của Học viện Hoàng Anh Gia Lai, sau đó phải xuống lớp Năng khiếu. Khác với nhiều đồng đội, tiền vệ quê Quảng Ngãi này chưa được đá cho đội 1 Hoàng Anh Gia Lai và liên tục được cho các đội khác mượn, trước khi được chuyển nhượng hẳn cho Thanh Hóa đầu mùa này.

Khi nguồn cung vượt quá nhu cầu

Ở bóng đá Việt Nam lúc này, cầu thủ thuộc biên chế Hoàng Anh Gia Lai có mặt từ V.League cho đến… giải hạng Nhì.

Tại V.League, Hoàng Anh Gia Lai cũng cho Bình Dương, TPHCM hay Đà Nẵng mượn cầu thủ. Ở sân chơi hạng Nhất, các đội Công an Nhân dân, Bà Rịa-Vũng Tàu, An Giang hay cả Long An cũng đều có quân bầu Đức. Thậm chí, đến giải hạng Nhì, các địa phương như Bình Thuận, Tiền Giang cũng có kế hoạch mượn hẳn 1 lứa của Hoàng Anh Gia Lai để về gây dựng phong trào.

Lê Phạm Thành Long, trưởng thành từ lò Hoàng Anh Gia Lai nhưng khẳng định chỗ đứng tại các dội bóng khác. Tiền vệ này luôn trân trọng quãng thời gian được gắn bó với đội bóng cũ. Ảnh: T.H.

Với nguồn cung quá nhiều trong khi nhu cầu cho đội 1 chỉ gói gọn với vài chục người, việc đội bóng phố Núi để các đội bóng khác trui rèn tài năng là điều dễ hiểu. Nó cũng cho thấy, chất lượng đào tạo của Hoàng Anh Gia Lai là điểm sáng, khi nhiều đội bóng hay thậm chí các địa phương có truyền thống bóng đá phải mượn quân trước mỗi mùa bóng.

Mùa này, dưới sự dẫn dắt của Kiatisak, cơ hội để chen chân vào đội 1 Hoàng Anh Gia Lai càng khó hơn. Theo danh sách đăng ký, đội hình của họ chỉ có 26 cầu thủ, trong đó có 3 thủ môn. Sau 10 vòng đấu, có đến 6 cầu thủ chưa ra sân một phút nào tại V.League gồm Bửu Ngọc, Lê Văn Trường, Đông Triều, Phan Đức Lễ, Đặng Thanh Hoàng, Tiêu Exal và Phan Đức Lễ.

"Zico Thái" muốn xây dựng một đội hình tinh gọn, với những con người phù hợp triết lý của ông. Với những cầu thủ chưa thích hợp, Kiatisak sẵn sàng tạo cơ hội cho đi mượn để có cơ hội ra sân, phát triển khả năng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn