MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sức ép không nhỏ sẽ dồn lên huấn luyện viên Philippe Troussier. Ảnh: VFF

Huấn luyện viên Philippe Troussier sẽ đối mặt với những sức ép nào?

TAM NGUYÊN LDO | 01/02/2023 06:47

Ông Philippe Troussier tiến gần hơn một bước nữa đến chiếc ghế huấn luyện viên đội tuyển Việt Nam...

Trong ngày cuối cùng của tháng 1, đã có thêm những thông tin mới liên quan đến tiến trình tìm kiếm huấn luyện viên kế nhiệm ông Park Hang-seo ở đội tuyển Việt Nam. Ứng viên duy nhất lúc này vẫn là Philippe Troussier, nhưng đã có những hé lộ về mức lương, thời hạn hợp đồng cũng như nhiệm vụ của huấn luyện viên người Pháp.

Theo đó, về mức lương, Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) đã tìm được nhà tài trợ để trả lương cho ông Troussier “nhỉnh” hơn so với Park Hang-seo trong bản hợp đồng gần nhất mới chính thức hết hạn vào hôm 31.1.

Có thể giới truyền thông tỏ ra nhạy cảm khi chỉ nói “nhỉnh hơn” lương của cựu huấn luyện viên người Hàn Quốc, nhưng hẳn nhiều người hiểu rằng, con số mà Troussier nhận được một con số xứng đáng với những giá trị mà ông đã tạo ra trong sự nghiệp của mình.

Ông từng được Trung tâm bóng đá PVF trả 125.000 USD/tháng, nên cho dù huấn luyện viên sinh năm 1955 có thành ý thì lương của ông nhiều khả năng không dưới 6 con số - nghĩa là gấp đôi lương thầy Park.

Huấn luyện viên người Pháp làm việc với bóng đá trẻ Việt Nam nhiều hơn. Ảnh: VFF

Tất nhiên là sẽ không có sự ghen tị nào ở đây cả, bởi khi chọn cách dừng lại, thầy Park cũng nhấn mạnh rằng, bóng đá Việt Nam cần một người khác có thể nâng tầm. Khi VFF đang đặt niềm tin vào Troussier cùng bản CV “khá đẹp”, ông xứng đáng với mức lương cao.

Nhưng cùng với đó, sức ép cũng sẽ dành cho cựu huấn luyện viên đội tuyển Nhật Bản lớn hơn. Về mặt thành tích, nâng tầm có nghĩa là đội tuyển trong tay Troussier cần có kết quả tốt hơn so với thời Park Hang-seo, lối chơi cũng phải thay đổi nhiều để “thắng bằng khả năng tấn công chứ không phải chờ vào phản công”.

Nói một cách hình ảnh, tuyển Việt Nam giai đoạn mới phải biết “giành lấy điểm số một cách chủ động” thay vì “chịu đựng để chờ cơ hội”.

Troussier sẽ sớm phải thể hiện và cho thấy được điều đó, bởi sau mức lương, thời hạn hợp đồng của ông được tiết lộ là 2 năm, cùng điều khoản có thể gia hạn 1 năm. Nó nói lên điều gì? VFF vẫn chưa thể hoàn toàn tin vào khả năng thành công của Troussier để dành cho ông một kế hoạch dài hạn hơn.

Mục tiêu là “tiệm cận cơ hội giành vé dự World Cup 2026”, trước khi có thể giành vé dự Cúp thế giới sau đó 4 năm. Những gì đội tuyển Việt Nam thể hiện trong năm 2023 và giai đoạn đầu vòng loại World Cup 2026 sẽ rất quan trọng để có đánh giá về Troussier cùng sự thay đổi của đội tuyển theo chiều hướng nào.

Dẫn dắt cả 2 đội cũng làm sức ép với Troussier tăng lên gấp đôi. Ảnh: VFF

Nếu không đúng hướng, hợp đồng 2 năm là phù hợp để có thể chấm dứt. Ngược lại, đã có điều khoản gia hạn 1 năm. Thậm chí lúc đó, khi sự tin tưởng đã nhiều hơn, hợp đồng mới có thể kéo dài hơn.

Nói ông Troussier hiểu bóng đá Việt Nam cũng đúng, vì ông đã đến từ năm 2018. Nhưng nói ông chưa hiểu hẳn thì cũng không sai, bởi thực tế là ở PVF và đội U19 Việt Nam, ông làm việc với bóng đá trẻ nhiều hơn.

Vì thế, một sức ép khác dành cho ông - người từng dẫn dắt một số đội tuyển tại World Cup, là sự kiêm nhiệm. Thông tin cho biết, ngoài đội tuyển quốc gia, ông còn dẫn dắt cả đội U23.

Huấn luyện viên Park Hang-seo cũng từng như vậy, nhưng 2 giai đoạn sẽ khác nhau về bản chất. Thầy Park nắm 2 đội nhưng thực chất chỉ là một bộ khung khi bóng đá Việt Nam có một lứa trẻ tốt. Họ giờ đã là trụ cột của đội tuyển, nhưng Troussier sẽ không có sự liền mạch như vậy.

Troussier sẽ có sự xen kẽ hay phân tách rõ ràng? Thực ra, phân tách cũng có điểm lợi là khi cần thiết, ông có nhiều lựa chọn, nhưng việc phải theo dõi nhiều cầu thủ hơn, giải quyết nhiều vấn đề hơn có khiến mục tiêu cùng đội tuyển quốc gia rơi vào nguy cơ chệch hướng?

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn