MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Muôn hình vạn trạng cảnh giảm lương ở V.League

AN NGUYÊN LDO | 22/08/2021 09:00

Giảm lương là từ khoá “hot” với tất cả cầu thủ tại V.League, nhưng mỗi đội bóng lại có mỗi mức giảm khác nhau. Người phải giảm 2/3 thu nhập, số khác lại không ảnh hưởng nhiều.

Những người không phải giảm lương

Chia sẻ với Lao Động, ông Văn Sỹ Hùng - Phó Giám đốc chuyên môn câu lạc bộ Sông Lam Nghệ An cho biết: “Đội chúng tôi quyết định giữ nguyên mức lương cho toàn bộ cầu thủ cũng như ban huấn luyện. Từ ngày có nhà tài trợ mới, lãnh đạo câu lạc bộ đã điều chỉnh nhiều về chính sách lương, thưởng rồi”.

Sông Lam Nghệ An là 1 trong 3 đội bóng không giảm lương mặc dù V.League phải tạm hoãn đến hơn 6 tháng. Một trong những lý do đó là việc thầy trò huấn luyện viên Nguyễn Huy Hoàng vẫn tập luyện bình thường. Họ chỉ nghỉ ngơi khoảng 1 tuần rồi tập trung trở lại hôm 16.8 vừa qua, do 100% cầu thủ nội là người tại địa phương.

Câu lạc bộ Sông Lam Nghệ An không giảm lương khi V.League tạm hoãn. Ảnh: SLNA

Khá bất ngờ khi đội bóng không mấy giàu có là Hồng Lĩnh Hà Tĩnh cũng giữ nguyên mức lương cho các thành viên. Đến thời điểm này khi đã “xả trại” khá lâu, các cầu thủ vẫn chưa nhận được thông báo hay cuộc trưng cầu ý kiến nào về chuyện lương bổng trong mùa dịch.

Câu lạc bộ Bình Định lại mang đến cho cầu thủ một triết lý khá đặc biệt. Trong “tâm thư” của mình, một lãnh đạo đội bóng đất Võ đã tiết lộ lý do không trừ lương. Họ muốn các cầu thủ cũng như cán bộ công nhân viên có thể dành một phần tiền giúp đỡ gia đình hoặc những hoàn cảnh khó khăn mà mình gặp phải. Đó là sự sẻ chia trong mùa dịch.

Câu lạc bộ Bình Định không trừ lương cầu thủ để cùng sẻ chia trong mùa dịch. Ảnh: Bình Định

Xin giảm lương dù không bị giảm

Một thành viên của câu lạc bộ Bình Dương tiết lộ cho Lao Động: “Đội chúng tôi chưa nghe gì về chuyện giảm lương, nhưng trước khi về nhà, tất cả anh em cầu thủ đã ngồi lại cùng ban huấn luyện và muốn xin giảm lương. Sau khi thống nhất về con số, chúng tôi báo lên chủ tịch câu lạc bộ và được đồng ý. Khó khăn như hiện này thì giảm lương là tất yếu”.

Được biết, các cầu thủ Bình Dương đã giảm 20% lương so với mức thu nhập hàng tháng khi giải đấu đang diễn ra. Tất nhiên, mức giảm này chưa phải quá lớn nhưng không thể phủ nhận đó là tinh thần trách nhiệm với đơn vị chủ quản của cựu vương V.League.

Cầu thủ Bình Dương chủ động xin giảm lương. Ảnh: BFC

Một đội bóng khác cũng thường xuyên trở thành tâm điểm "bất đắc dĩ" về chuyện lương, thưởng là Than Quảng Ninh. Họ thông báo với cầu thủ rằng sẽ trừ 30% lương, nhưng vấn đề là các cầu thủ cũng đã bị nợ đến 4 tháng lương tính đến hết tháng 8.

Một số cầu thủ thành danh như Mạc Hồng Quân, Nghiêm Xuân Tú, Phạm Nguyên Sa hay Nguyễn Hải Huy thì đỡ vất vả hơn vì có một phần tích luỹ từ trước. Nhưng số cầu thủ trẻ như Hai Long, Văn Quý, Ngọc Long, Minh Thành,… thì cuộc sống đang thực sự khó khăn. Nhiều người có thu nhập chưa đến 5 triêu đồng/tháng, lại còn bị nợ vài tháng qua.

Tiền vệ Bùi Ngọc Long cho biết anh phải về nhà "ăn cơm mẹ nấu" khi không có thu nhập. Ngọc Long quê ở huyện Quảng Xương (Thanh Hoá) vốn không phải vùng đất phát triển về kinh tế. Cầu thủ trẻ này cũng không thể kiếm được việc làm thêm khi dịch bệnh ập đến và thu nhập bị cắt đứt.

Nhìn chung, mức giảm lương phổ biến ở V.League vẫn là khoảng 30% và có khoảng hơn 1 nửa số đội bóng đạt được thoả thuận với cầu thủ ở mức này. Câu lạc bộ Hải Phòng được xem là ngoại lệ khi giảm đến 70% lương. Nhưng dù sao, mỗi đội bóng có tình hình tài chính khác nhau, điều kiện nguồn lực khác nhau.

Chỉ mong dịch COVID-19 sớm được kiển soát để V.League 2021 trở lại và bóng đá Việt Nam có thể vững tâm đi qua đại dịch.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn