MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sông Lam Nghệ An và Nam Định là 2 đội bóng không đáp ứng tiêu chí cấp phép chuyên nghiệp tại V.League . Ảnh: VPF

Những đội bóng không đủ tiêu chí chuyên nghiệp và hệ luỵ với V.League

PHẠM ĐÌNH LDO | 01/12/2020 11:22
4 đội bóng không đủ tiêu chí cấp phép chuyên nghiệp sẽ là hệ luỵ của V.League về lâu dài.

Có đến 4 câu lạc bộ thi đấu ở V.League 2021 không đủ điều kiện cấp phép chuyên nghiệp, gồm Hồng Lĩnh Hà Tĩnh, Hải Phòng (không tham dự đầy đủ các giải trẻ trong năm 2020 theo như quy định), Dược Nam Hà Nam Định (không đạt tiêu chí về tài chính), Sông Lam Nghệ An (không đạt tiêu chí về cơ sở vật chất, dàn đèn không đạt chất lượng theo đúng yêu cầu của AFC).

Theo quy định, các câu lạc bộ này không đủ điều kiện tham gia các giải chuyên nghiệp và giải thuộc hệ thống AFC. Tuy nhiên, VPF vẫn đặc cách để tham dự V.League và Cúp Quốc gia. Dù chỉ là giải pháp tạm thời nhưng có thể dẫn đến nhiều hệ luỵ.

Việc các đội bóng được đặc cách ở những mùa giải liên tiếp sẽ không thể nâng cao được chất lượng giải đấu. Bên cạnh đó, tính chuyên nghiệp cũng sẽ bị triệt tiêu. Mùa giải 2020, trong số 4 câu lạc bộ gửi công văn đề nghị VPF kết thúc giải đấu sớm, có đến 3 đội bóng nằm trong nhóm không đủ tiêu chí cấp phép chuyên nghiệp và vẫn được đặc cách thi đấu là Sông Lam Nghệ An, Nam Định và Quảng Nam.

Bên cạnh đó, việc các đội mất quyền tham dự giải AFC cũng khiến cho bóng đá Việt Nam phải cử những đại diện thay thế, trường hợp của Quảng Nam năm 2017 và Hà Nội 2019 là những điển hình. Như Hà Nội là điều đáng tiếc nhất khi họ đã chuyển giao đội U15 cho Sài Gòn để tự làm mất đi tính "chuyên nghiệp" của mình. Chính sự lỏng lẻo trong việc nâng cao tính chuyên nghiệp cho các câu lạc bộ đã kéo theo những vấn đề thuộc phạm trù ý thức.

Vì sao VFF, VPF không mạnh dạn loại bỏ các đội bóng thiếu tiêu chí chuyên nghiệp?

Theo quan điểm của Chủ tịch VPF Trần Anh Tú thì bóng đá Việt Nam vẫn đang trong quá trình đi lên chuyên nghiệp. Thực tế, các đội không đáp ứng tiêu chí cũng đã giảm theo từng mùa giải, và vấn đề này cần có lộ trình để thực hiện. Trong thời gian tới, các đội bóng không đáp ứng tiêu chí, chắc chắn sẽ không được tham dự V.League.

"Việc tham gia giải của các câu lạc bộ là tự nguyện, không ai ép buộc phải chơi cả, thế nhưng khi đã vào cuộc chơi là phải tuân theo luật của cuộc chơi.

Với cơ chế hiện tại, chúng tôi sẽ dần điều chỉnh để các đôi bóng buộc phải thay đổi theo thời gian tới. Chúng ta cũng thấy một điểm tích cực là số lượng câu lạc bộ không đạt đủ tiêu chí cũng đã giảm dần theo từng năm", ông Trần Anh Tú nhấn mạnh.

Vấn đề sâu xa hơn được những người tổ chức chỉ ra là nếu mạnh dạn loại bỏ ngay lập tức các đội không đáp ứng tiêu chí sẽ khiến chất lượng V.League giảm. Đã từng có ý kiến cho rằng, V.League chỉ cần đá 10 đội, có chất lượng tốt, sau đó sẽ nâng dần số đội. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có những ràng buộc bởi mối liên kết nhiều năm nay cũng như "quyền lợi nhóm" nên không ai dám quyết.

Bên cạnh đó, nếu mạnh tay với các đội như Dược Nam Hà Nam Định, Hải Phòng hay Sông Lam Nghệ An sẽ kéo theo nhiều hệ luỵ khác. Đây đều là những địa phương có truyền thống bóng đá, có lực lượng cổ động viên đông đảo... và bản thân VFF lẫn VPF đều "vướng".

Việc đặc cách cho các đội không đáp ứng tiêu chí cấp phép chuyên nghiệp vì thế mà vẫn được diễn ra ở các mùa giải gần đây. Và đây cũng chính là một trong những vấn đề mà nguyên Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ từng đúc kết rằng "chuyên nghiệp kiểu bóng đá Việt Nam".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn