MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Văn Quyến (thứ hai từ trái sang) từng nằm nhúng chàm ở đại án Bacolod. Ảnh: Bạch Dương

Những khoảnh khắc thay đổi cuộc đời Văn Quyến

HOÀI ĐAN LDO | 19/04/2020 18:36
Văn Quyến giải nghệ ở tuổi 30 cách đây 6 năm đã để lại nhiều nuối tiếc cho người hâm mộ. Cùng điểm lại những khoảng khắc đáng nhớ của anh trong màu áo U23 và đội tuyển Việt Nam. 

Từ vinh quang

Tháng 10.2003, Văn Quyến đã ghi dấu ấn với bàn thắng vào lưới Hàn Quốc trong trận đấu tại Vòng loại Asian Cup 2004 trên đất Muscat (Oman). Đó được xem là cơn "địa chấn" Châu Á khi đội tuyển Việt Nam (thực chất là U23) đã vượt qua đệ tứ anh hào thế giới vừa được ca tụng ở World Cup 2002. 

Từ đường chuyền của Tuấn Phong, Văn Quyến pha bẫy việt vị đón bóng và có pha dứt điểm tinh tế, ghi bàn thắng duy nhất của trận đấu. Cũng từ khoảnh khắc đó mà cái tên Văn Quyến đã được tung hô, anh cũng bắt đầu bước vào thời kỳ đỉnh cao của sự nghiệp ở tuổi 19. Giai đoạn đã đưa Quyến lên một vị thế khác, anh có tất cả tiền bạc, danh vọng và cũng mất tất cả từ đây.

Văn Quyến từng là tiền đạo số 1 Việt Nam. Ảnh: Sportasia

Đến SEA Games 22 cùng năm đó, Văn Quyến đã thực sự ghi dấu ấn với người hâm mộ Việt Nam khi trở thành cầu thủ chơi hay nhất của U23 Việt Nam.

Anh ghi bàn thắng với pha cứa lòng đẳng cấp vào lưới U23 Thái Lan ở vòng bảng. Bàn thắng thể hiện tài năng của Quyến đã được báo  chí và các chuyên gia đánh giá rất cao ở thời điểm đó.

Sau đó là cú đúp bàn thắng vào lưới U23 Malaysia giúp U23 Việt Nam giành chiến thắng với tỉ số 4-3 trong trận bán kết đầy cảm xúc. 

Bàn thắng gỡ hoà 1-1 trong trận chung kết với Thái Lan từ cú vô lê đẹp mắt cũng để lại nhiều ấn tượng. Đặc biệt với Văn Quyến đó là tố chất của cầu thủ ở trận đấu lớn. Tiếc rằng, U23 Việt Nam đã không thể giành Huy chương Vàng  ở giải đấu đó. 

Đến nước mắt

Bước ngoặt cuộc đời và sự nghiệp của Văn Quyến diễn ra ở SEA Games 2005 với vụ bán độ chấn động được gắn với cái tên "Đại án Bacolod". 

Trong tự truyện "Phút 89", Công Vinh đã kể lại rằng: "

Văn Quyến, Quốc Vượng, Văn Trương, Hải Lâm, Bật Hiếu, Phước Vĩnh, Quốc Anh là 7 cái tên dính vào một vụ mua bán độ trong trận đấu với Myanmar. Họ nhận tiền để đá sao cho trận ấy chỉ thắng với tỉ số tối thiểu.

Phan Văn Tài Em được mời vào "đường dây" này nhưng anh không nhận lời và đi báo cáo lại với Ban huấn luyện.

Khác với Tavares kêu tôi vào chất vấn khi chưa rõ đầu cua tai nheo gì, Riedl đã không làm ầm lên. Ông cố giữ cho mọi việc êm đẹp hết mức có thể. Nhưng vụ việc như vết dầu loang, ai rồi cũng biết, chỉ có tôi và Đức Cường thì không.

Tôi không biết tại sao mình lại không được mời vào vụ việc ấy, có thể tôi chỉ là đàn em, chưa được tin cậy. Nhưng nếu được rủ rê, tôi cũng sẽ làm điều mà Tài Em đã làm là báo cáo lại cho Ban lãnh đạo".

Những lời chia sẻ của huấn luyện viên Riedl chính là một đúc kết cay đắng ở "Đại án Bacolod". Công Vinh đã trích lại lời của ông thầy người Áo nói về vụ án:

Sau khi các cầu thủ nhúng chàm bị bắt, ông Riedl ngao ngán:

“Các cầu thủ Việt Nam bán độ đã phạm phải một tội ác. Họ đã nhẫn tâm phản bội lại những giá trị tốt đẹp của bóng đá. Tệ hại hơn, họ đã phản bộ lại hàng triệu triệu cổ động viên trung thành nhất. Vì quá yêu tiền, họ đã chà đạp lên tất cả”.

Cũng từ khoảnh khắc đó, Văn Quyến đã mãi mãi huỷ hoại sự nghiệp và cũng từ đó mà Công Vinh đã trở thành số 1 của đội tuyển Việt Nam. Anh đã có được mọi thứ mà Văn Quyến mất: "tiền tài, danh vọng".

Văn Quyến trong màu áo Ninh Bình. Ảnh: Hải Anh

Khoảnh khắc Công Vinh đánh đầu vào lưới Thái Lan giúp Việt Nam lần đầu vô địch AFF Cup 2008 khiến hàng triệu người hâm mộ vỡ oà. Thế nhưng đấy cũng là thời khắc nhiều người nhớ, tiếc cho Văn Quyến.

Trở lại sân cỏ sau án kỷ luật, Văn Quyến đã không còn là chính mình. Anh nặng nề hơn và điều mà người ta nhìn thấy ở Quyến đó là anh không có nghị lực để vươn lên như Công Vinh.

Khoảng khắc đáng nhớ mà Quyến để lại là cú đúp bàn thắng cho Ninh Bình tại tứ kết Cúp Quốc gia 2013. 2 bàn thắng vào lưới Hoàng Anh Gia Lai thể hiện đẳng cấp, sự hào hoa mang phong cách của Quyến. Thế nhưng đó cũng là tất cả những gì Quyến để lại trước khi giải nghệ vào ngày 19.4.2014.

Nhà báo Trần Minh - người chấp bút cho cuốn tự truyện của Lên Công Vinh  chia sẻ: "Trong bóng đá, người ta thích cảm xúc. Nhưng thiên tài chỉ khiến chúng ta cảm thấy mình thật xui xẻo. Còn những người đi lên bởi những giọt mồ hôi thì cho chúng ta niềm tin. Vì thế, tôi luôn thích Cristiano Ronaldo hơn Lionel Messi, thích Công Vinh hơn Văn Quyến".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn