MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tại sao cầu thủ V.League thường chịu thiệt với đội bóng chủ quản?

PHƯƠNG TRANG LDO | 01/11/2021 19:15

Không chỉ Than Quảng Ninh mà nhiều cầu thủ ở các câu lạc bộ V.League khác cũng thường xuyên “chịu thiệt” dù người làm sai là... lãnh đạo các đội bóng.

Cầu thủ Việt Nam hay… "cam chịu"

Vụ việc các cầu thủ câu lạc bộ Than Quảng Ninh bị nợ nhiều tháng tiền lương, phí lót tay,… với tổng số tiền lên đến hơn 90 tỉ đồng không phải lần đầu xảy ra ở V.League. Chuyện nợ tiền vốn vẫn xuất hiện như… "cơm bữa" trong nhiều mùa giải vừa qua, với nhiều đội bóng khác nhau.

Cho dù kết cục của những vụ việc là khác nhau nhưng điểm chung là cầu thủ Việt Nam hầu hết đều chọn cách nhẫn nhịn, chờ đợi vào… tình cảm từ phía lãnh đạo các câu lạc bộ. Trong một số trường hợp, sự chờ đợi ấy được xem là "không uổng phí".

Nửa cuối mùa giải 2018, các cầu thủ câu lạc bộ Thanh Hoá bị nợ 5 tháng lương. Tuy nhiên, vì tin vào lãnh đạo nên họ quyết định chưa vội gây ra ồn ào. Kể cả những cầu thủ ra đi cũng quyết định chờ đợi thêm. May sao, khi V.League 2019 diễn ra, số tiền trên đã được thanh toán đầy đủ cho cả người ở lại và kẻ ra đi. 

Tương tự như vậy, chính đội bóng xứ Thanh cũng nợ vài tháng lương và một phần phí lót tay trong mùa giải 2015, nhưng rồi số tiền ấy được đơn vị tiếp quản thanh toán đầy đủ. Nhưng không phải cầu thủ nào cũng may mắn như vậy.

Cầu thủ Than Quảng Ninh bị nợ lương, phí lót tay từ mùa giải V.League 2019. Ảnh: Đông Đông

Khi câu lạc bộ Navibank Sài Gòn giải thể cách đây 10 năm, nhiều cầu thủ bị nợ vài tháng lương nhưng…bất lực trong việc liên lạc với lãnh đạo. Họ dùng đủ cách ngọt nhạt rồi “khóc” về hoàn cảnh của mình nhưng tiền thì vẫn “bặt vô âm tín”. 

3 năm sau, đến lượt cầu thủ câu lạc bộ Kiên Giang rơi vào tình cảnh khốn cùng như nhiều đồng nghiệp Than Quảng Ninh bây giờ. Trung vệ Lưu Ngọc Hùng với tư cách đội trưởng kêu gọi đồng đội đình công. Anh thừa nhận đó là hành động thiếu chuyên nghiệp, nhưng chỉ có cách này thì cầu thủ mới vớt vát được một phần tiền, rồi sau đó họ vẫn mất kha khá khoản thù lao mình đáng được hưởng.

Cầu thủ hãy lí trí hơn

“Chúng tôi rất buồn khi rơi vào hoàn cảnh hiện tại. Không ai muốn nhìn thấy đội bóng như vậy. Nếu có người tiếp quản và đội tiếp tục chơi V.League thì họ phải có trách nhiệm trả tiền nợ cho chúng tôi, nhưng nếu đội phải xuống hạng Ba hoặc giải thể thì mọi chuyện coi như khép lại”, một cầu thủ Than Quảng Ninh từng chia sẻ thời điểm đội bóng này tuyên bố tạm dừng hoạt động.

Và cuối cùng thì kịch bản buồn thì đã xảy ra, Than Quảng Ninh sẽ không dự V.League 2022 và có nguy cơ "biến mất" khỏi bản đồ bóng đá Việt Nam.

Than Quảng Ninh đứng trước nguy cơ “biến mất” khỏi bản đồ bóng đá Việt Nam. Ảnh: Đông Đông

Trao đổi với Lao Động, luật sư Nguyễn Đức Chánh, đại diện pháp lý cho nhiều cầu thủ nói: “Tôi cho rằng các cầu thủ nhiều khi tin vào lời hứa của lãnh đạo quá nhiều mà quên đi rằng mình đang chịu phần thiệt rất lớn. Việc nhiều tháng không trả lương là một hành động sai. Nhưng cầu thủ Than Quảng Ninh lại để vụ việc kéo dài, khi số nợ quá lớn thì mọi chuyện khó cứu vãn”.

Thời điểm này, hy vọng cuối cùng của cầu thủ câu lạc bộ Than Quảng Ninh là cầu cứu gói viện trợ từ FIFA, việc đòi tiền từ đội bóng cũ xem như bất khả thi. Nhưng khi chuyện “xoá thế cờ, đánh ván mới” hoặc đơn giản là xoá sổ 1 đội bóng đã từng xảy ra nhiều lần ở V.League, giới cầu thủ nên có sự phòng vệ chính đáng để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của mình.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn