MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tân Phó Chủ tịch tài chính VFF và bài toán bản quyền truyền hình

PHẠM ĐÌNH LDO | 22/11/2020 15:45

Tân Phó Chủ tịch tài chính VFF Lê Văn Thành cho biết sẽ tập trung vào việc bán vé và khai thác bản quyền truyền hình để kiếm thu nhập cho bóng đá Việt Nam.

Sau khi trúng cử Phó Chủ tịch Tài chính và Vận động tài trợ, ông Lê Văn Thành đã ngay lập tức đưa ra chương trình hành động của mình. Ông đã tuyên bố rằng: “Trong 2 năm tới, việc kiếm tiền cho bóng đá Việt Nam cũng giống như nước ngoài là bán bản quyền truyền hình, vé bóng đá. Đây là 2 mảng chính có thể đem lại nguồn thu lớn mà Ban tài chính, VFF chưa làm được.

Trong thời gian tới, chúng tôi phấn đấu sẽ làm được. Tôi lấy ví dụ từ năm 2021 đến 2028, Thái Lan bán được bản quyền truyền hình. Mỗi 1 năm khoảng được 1.000 tỉ. Mong muốn của tôi trong những năm tới là sẽ làm được những tham vọng này”.

Ông Lê Văn Thành trúng cử chức Phó Chủ tịch Tài chính và Vận động tài trợ VFF. Ảnh: Huy Nhân

Thực tế, trước ông Thành, đã từng có một đơn vị truyền thông đã ra tính toán về câu chuyện bản quyền truyền hình, mỗi TVC quảng cáo có thời lượng 30 giây, giá trung bình 20 triệu đồng/TVC.

Tính riêng V.League, một mùa có 182 trận x 18 TVC/trận thì VPF có thể khai thác được 3.276 TVC (tương đương 65,5 tỉ đồng). Tuy nhiên, đây là những con số tính trên lý thuyết, bởi thực tế bản quyền truyền hình ở V.League hiện nay vẫn chưa thể khai thác được giá trị lớn.

Cách đây 10 năm, VFF đã đứng trước cơ hội khai thác với bản hợp đồng có trị giá 6 tỉ đồng/mùa từ AVG, với thời hạn 20 năm có lũy tiến. Thế nhưng, Tại Hội nghị tổng kết các giải chuyên nghiệp 2011, bầu Kiên đã “quăng bom” công kích VFF để bắt đầu một cuộc cải tổ với bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Bầu Kiên kịch liệt phản đối việc VFF ký hợp đồng với thời gian kéo dài đến 20 năm. Ông cho rằng điều này ảnh hưởng sâu rộng, lâu dài đến bóng đá Việt Nam và sau đó đơn vị truyền hình này đã rút lui.

Sau đó, bầu Kiên cũng một số ông bầu khác có ảnh hưởng đến bóng đá Việt Nam đã thành lập ra Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF). Bài toán bán bản quyền truyền hình V.League được giải bằng "gói hỗ trợ" với tổng số tiền lên đến 50 tỉ đồng/mùa, với sự chung tay của nhiều doanh nghiệp. Thế nhưng, sau khi bầu Kiên rơi vào vòng lao lý, kế hoạch kinh doanh bản quyền truyền hình thất bại. Và rồi, bản quyền V.League vẫn chỉ tồn tại ở hình thức trao đổi.

Có một thực tế, các đơn vị truyền thông của Việt Nam luôn phải mua bản quyền truyền hình các giải đấu có sự tham dự của các đội tuyển quốc gia với giá cao. Thế nhưng, khi chính các cầu thủ đó về thi đấu tại V.League, chúng ta chưa có cách để khai thác giá trị thương mại của bản quyền truyền hình. Đây là thực trạng trong nhiều năm.

Bây giờ, chính ông Lê Văn Thành lại đưa vấn đề này vào chương trình hành động. Đó là điều đáng mừng, thế nhưng đó lại là câu chuyện không dễ với chính khả năng của ông Thành cũng như bối cảnh chung của nền bóng đá.

Mong rằng, với mục tiêu đã đề ra, Tân Phó Chủ tịch tài chính VFF sẽ có chương trình hành động cụ thể để có thể kiếm tiền được từ bản quyền truyền hình.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn