MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tấn Trường cần tỉnh táo trước "cạm bẫy" mạng xã hội

MINH PHONG LDO | 18/11/2021 19:10

Không thể cấm một cầu thủ nào sử dụng mạng xã hội, đó là quyền riêng tư của mỗi người. Nhưng, mạng xã hội chưa bao giờ là "mảnh đất" an toàn với người nổi tiếng.

Chuyện Tiktok của Tấn Trường

Thời gian qua, Tấn Trường trở thành "hiện tượng triệu view" trên mạng xã hội Tiktok. Những chương trình "livestream" của thủ thành này thường thu hút rất hàng triệu lượt xem, thậm chí có cả các những người nổi tiếng khác. Tuy nhiên, dạo gần đây, tần suất "livestream" của Tấn Trường ngày một nhiều hơn. 

Hãy công bằng với Tấn Trường, chuyện thủ môn này có “livestream” hay kết bạn với vài “hot tiktoker” cũng không có gì đặc biệt. Kể cả việc anh có lên mạng xã hội khi không tập luyện cũng không vi phạm quy định nào. Trên thế giới, việc các ngôi sao mạng xã hội giao lưu với ngôi sao bóng đá  không phải là chuyện hiếm.

Tấn Trường trở thành “hot tiktoker” trong thời gian gần đây“? Ảnh: Trung Thu

Khaby Lame, một hiện tượng “tiktok” ở phạm vi toàn cầu còn tạo ra những ảnh hưởng đặc biệt. Phong cách đưa tay ra phía trước và khuôn mặt gây cười của anh còn được tiền đạo Vinicius của Real Madrid lặp lại trong pha ăn mừng bàn thắng. Hay Paul Pogba từng công khai bày tỏ sự thích thú, giao lưu với Khaby Lame ngay sau một trận đấu của tuyển Pháp.

Facebook, Instagram hay Tiktok là một công cụ đưa khán giả gần hơn với thần tượng của mình, có thể nói là chưa bao giờ gần đến thế. Với một cầu thủ từng gặp nhiều áp lực như Tấn Trường, việc anh thể hiện được năng lực, đập tan nghi ngờ trong thời gian thật tuyệt vời.

Mạng xã hội như một đòn bẩy để anh giãi bày, nói với người hâm mộ rằng “tôi không phải kẻ xấu”. Đó là điều Tấn Trường đã làm khi kết thúc vòng loại thứ 2 World Cup 2022. Anh kể về những câu chuyện phía sau sân cỏ, những nghi ngờ nhắm vào bản thân. Mạng xã hội và kết nối cùng khán giả đã giúp thủ thành sinh năm 1986 rất nhiều.

Cạm bẫy mạng xã hội

Mạng xã hội được nhiều chuyên gia phân tích rằng giúp con người “vơi đi nỗi cô đơn chỉ với một cái thả tim, một nút like”. Nhưng, mạng xã hội không thể thay thế những giao tiếp đời thực. Ảnh hưởng của một cầu thủ trên mạng xã hội luôn đến từ chính màn trình diễn trên sân cỏ.

Nhìn lại trang cá nhân của Bùi Tiến Dũng thời điểm anh mới đẩy phạt đền ở vòng chung kết U23 Châu Á 2018 và lúc anh ngồi dự bị ở câu lạc bộ TPHCM, rõ ràng, mọi chỉ số tương tác, những lời khen ngọt ngào đều đã giảm đi rất nhiều. May rằng, dư luận dường như “bao dung” hơn với Tiến Dũng khi sai lầm của anh không bị chỉ trích quá nặng nề.

Cầu thủ Việt Nam cần tỉnh táo trước “cạm bẫy” của mạng xã hội. Ảnh: Trung Thu

Tấn Trường thời điểm này đang làm được rất nhiều điều cho tuyển Việt Nam. Đương nhiên, anh xứng đáng nhận được lời ngợi khen, đặc biệt là trên mạng xã hội. Nhưng, ở một vị trí mà “tử thần” luôn rình rập ở vạch vôi như vậy, ai dám chắc rằng ngày mai, mọi thứ lại không đổ sụp dưới chân Tấn Trường?

Khi ấy, có bao nhiêu người từng khen Tấn Trường sẽ quay lưng lại với anh? Đối mặt với thực tại ấy, liệu anh có nên livestream để nói chuyện khi tuyển Việt Nam vừa mới thua được vài giờ đồng hồ?

Raheem Sterling có thể là bài học để Tấn Trường tham khảo. Tiền đạo của Man City từng “ăn no gạch đá” vì thể hiện thái độ không đúng mực trên mạng xã hội khi tuyển Anh thất bại. Hay Phil Jones, người từng quyết định không dùng mạng xã hội bởi những chỉ trích nhắm vào anh và gia đình ngập tràn khắp nơi.

Tuyển Việt Nam và ông Park có thể không cấm cầu thủ nào dùng mạng xã hội. Nhưng khi đã để chế độ “công khai” nhiều thứ, mỗi cầu thủ trong đó có Tấn Trường cần chuẩn bị cho một tương lai không phải màu hồng, mà là màu xám, có thể “nhấn chìm” nhiều thứ từ cộng đồng mạng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn