MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Than Quảng Ninh và bóng ma đội bóng bị "xóa sổ" của bóng đá Việt Nam

NGUYỄN ĐĂNG LDO | 25/08/2021 17:12
Câu lạc bộ bóng đá Than Quảng Ninh đã tuyên bố dừng hoạt động từ hôm nay 25.8, đồng nghĩa với nguy cơ bóng đá Việt Nam có thêm một đội bóng bị xóa sổ, như tình trạng đã diễn ra nhiều năm trước đây.

Ngừng hoạt động… vì hết tiền

Việc câu lạc bộ Than Quảng Ninh tuyên bố tạm dừng hoạt động… 1 năm được đưa ra chỉ vài ngày sau khi các cầu thủ đồng loạt gửi đơn kêu cứu khắp nơi vì bị nợ lương, tiền lót tay. Số tiền nợ diễn ra trong 2 năm, ước tính lên đến hàng chục tỉ đồng. Tình hình không có hướng ra, buộc Chủ tịch đội bóng – ông Phạm Thanh Hùng gửi đơn cầu cứu Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân, Sở Văn hoá và Thể thao tỉnh Quảng Ninh để xin trả lại đội bóng.

Sau khi tuyên bố dừng hoạt động, Công ty TNHH một thành viên bóng đá Quảng Ninh đã tiến hành bàn giao công việc cho một số cán bộ cũng như thanh lý hợp đồng với một số cầu thủ, thành viên ban huấn luyện. Với việc thanh lý hợp đồng, một số trụ cột của Than Quảng Ninh có thể tự do đàm phán với các câu lạc bộ tại V.League.

Câu lạc bộ Than Quảng Ninh đứng trước nguy cơ bị giải thể sau khi tuyên bố tạm ngưng hoạt động. Ảnh: VPF.

Tuy nhiên, khoản tiền lớn họ bị nợ vẫn chưa biết khi nào sẽ nhận được. Trong trường hợp công ty tuyên bố phá sản, nguy cơ bị "mất trắng" số tiền rất cao. Xa hơn, câu lạc bộ Than Quảng Ninh có thể bị xóa sổ khỏi V.League nếu không tìm được đơn vị mới tiếp nhận đội bóng, cũng như chi trả khoản nợ cho các cầu thủ.

Bóng ma… xóa sổ trở lại với bóng đá Việt Nam

Chuyện câu lạc bộ Than Quảng Ninh nợ lương triền miên, dẫn đến nguy cơ bị giải thể là chuyện đã xảy ra như cơm bữa tại bóng đá Việt Nam gần chục năm trước. Đội bóng không có tiền, các ông chủ… chán bóng đá là những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến thực trạng này.

Năm 2009, câu lạc bộ bóng đá Quân khu 4 lên V.League, sau đó được bàn giao cho các nhà đầu tư tại TPHCM, đổi tên thành Navibank Sài Gòn. Họ trụ hạng thành công năm 2010 và đầu tư rất mạnh ở V.League 2011, đưa về một loạt ngôi sao như Thế Anh, Tài Em… Năm đó, đội bóng của bầu Thọ vô địch Cúp Quốc gia, giành quyền dự AFC Cup 2012.

Nhưng sau V.League 2012, ông chủ Navibank Sài Gòn bất ngờ tuyên bố ngừng hoạt động, vì hết… kinh phí. Ước tính trong 3 năm ngắn ngủi đá V.League, đội bóng này đã chi ra 300 tỉ đồng. Đội bóng của Navibank Sài Gòn sau đó không được đơn vị nào tiếp nhận lâu dài. Vì thế, câu lạc bộ Sài Gòn Xuân Thành đã tiếp nhận một số cầu thủ của Navibank Sài Gòn.

Câu lạc bộ Sài Gòn Xuân Thành tuyên bố giải thể năm 2012, chỉ sau vài năm đầu tư vào bóng đá. Ảnh: Nguyễn Đăng.

Bản thân Sài Gòn Xuân Thành của bầu Thụy cũng là đội bóng được ông mua lại suất từ đội hạng Nhất Hòa Phát V&V, sau đó đổi tên và đưa vào TPHCM thi đấu. Trong 3 năm, Sài Gòn Xuân Thành đã vô địch hạng Nhất 2011, đứng hạng 3 V.League 2012 và đoạt Cúp Quốc gia 2012. Họ chi ra hàng trăm tỉ đồng để đưa về hàng loạt ngôi sao như Tấn Trường, Phước Tứ, Quang Hải, Huỳnh Kesley…

Tuy nhiên từ cuối năm 2012, bầu Thụy bắt đầu chán bóng, giảm chi phí đầu tư tại V.League 2013. Khi V.League 2013 chỉ còn 2 vòng là kết thúc, bầu Thủy tuyên bố bỏ giải và giải tán Sài Gòn Xuân Thành với lý do bức xúc với án phạt trừ 4 điểm từ Ban kỷ luật VFF.

Một trường hợp giải thể điển hình khác là câu lạc bộ Ninh Bình của ông bầu Hoàng Mạnh Trường. Đội bóng ở đất Cố đô này lên hạng V.League năm 2011 và trở thành thế lực mới của bóng đá Việt Nam. Họ đoạt Cúp Quốc gia và Siêu Cúp quốc gia năm 2013, giành quyền dự AFC Cup 2014.

Bầu Trường giải thể đội Ninh Bình vào năm 2015. Ảnh: Hoàng Minh.

Nhưng sau khi 9 cầu thủ dính đến tiêu cực ở trận gặp Kelantan tại AFC Cup 2014, bầu Trường đã quyết định rút khỏi giải quốc nội. Đến đầu năm 2015, ông Hoàng Mạnh Trường quyết định giải thể đội bóng, bàn giao các tuyến trẻ cho tỉnh. Sau 6 năm, bóng đá tại Ninh Bình vẫn chưa thể trở lại.

Ước tính trong hơn 10 năm, đã có hàng chục đội bóng bị xóa sổ với nguyên nhân chính là các câu lạc bộ thiếu tiền, thay đổi cơ chế hoặc các ông chủ chán nản với trực trạng bóng đá nước nhà như Hòa Phát Hà Nội, Hùng Vương An Giang, Kiên Giang… Đầu mùa giải hạng Nhất 2021, câu lạc bộ Tây Ninh cũng xin rút lui vì không xoay đủ tiền để duy trì hoạt động. Làm thế nào để thay đổi trực trạng nói đây, rõ ràng là bài toán khó cho VFF lẫn VPF?

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn