MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thanh Hóa phải đền bù cho huấn luyện viên Fabio Lopez vì vi phạm hợp đồng. Ảnh: VPF.

Thanh Hóa và nhiều đội Đông Nam Á bị phạt tiền: Học phí lên “chuyên”

NGUYỄN ĐĂNG LDO | 10/02/2021 13:24
Thanh Hóa cùng một số câu lạc bộ ở Malaysia phải trả giá đắt cho việc hành xử không chuyên nghiệp với các huấn luyện, cầu thủ, khiến Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) phải can thiệp.

Bài học cho Thanh Hóa

FIFA mới đây đã quyết định CLB Thanh Hóa phải trả số tiền tổng cộng 258.480 USD vì thua kiện huấn luyện Fabio Lopez và ngoại binh Idrissa Sega Cisse. Trước đó, đội bóng xứ Thanh, trong giai đoạn bầu Đệ (ông Nguyễn Văn Đệ) còn làm Chủ tịch đội bóng đã chấm dứt hợp đồng với 2 người này trái luật, buộc họ phải đưa vụ việc lên Phòng Giải quyết tranh chấp của FIFA (DRC).

Định chế bóng đá lớn nhất thế giới luôn có sự ưu tiên đến quyền lợi của cầu thủ, huấn luyện viên. Vì thế sau khi xem xét các chứng cứ từ ông Lopez và Cisse cung cấp, họ đã đưa ra án phạt cho câu lạc bộ Thanh Hóa. Việc Liên đoàn bóng đá Thanh Hóa cam kết thay bầu Đệ và bầu Đoan (Chủ tịch hiện tại của đội bóng) trả tiền cho Lopez và Cisse, chấm dứt những rắc rối với xung quanh vụ kiện tụng ầm ĩ này.

Tuy nhiên, đây chắc chắn là bài học Thanh Hóa để trở thành một câu lạc bộ “chuyên nghiệp” thật sự. Có thể coi số tiền gần 6 tỉ bỏ ra như một số tiền học phí lớn để Thanh Hóa có thêm nhiều kinh nghiệm trong các hoạt động liên quan đến quốc tế, đặc biệt là chuyện hợp đồng với huấn luyện viên, cầu thủ ngoại.

Chuyện không lạ ở Đông Nam Á

Cùng thời điểm với đội Thanh Hóa, FIFA xử phạt 2 đội bóng Malaysia cũng vì thua kiện cầu thủ, trong việc không thanh toán tiền lương theo đúng cam kết trong hợp đồng. FIFA xử thắng cho tiền vệ nhập tịch tuyển Malaysia Mahamadou Sumareh, buộc đội Pahang phải trả cho anh 1,2 triệu USD (hơn 27,6 tỉ đồng).

Câu lạc bộ Pahang phải trả cho Sumareh số tiền lên đến 1,2 triệu USD.

Theo thỏa thuận cũ, Sumareh khoác áo Pahang từ năm 2017 đến 2020. Tính từ năm thứ 2 của hợp đồng, Sumareh sẽ được tăng thêm 5.000 USD tiền lương mỗi năm nhưng Pahang đã không làm theo thỏa thuận. Điều đó buộc cầu thủ gốc Gambia này phải chia tay đội vào tháng 8.2020.

Tương tự câu lạc bộ Melaka United phải trả cho hậu vệ người Thái Lan Narupon Wild số tiền hơn 241.000 ringgit (gần 1,4 tỉ đồng). Narupon khoác áo đội bóng Malaysia trong năm 2020, nhưng lại không được thanh toán tiền lương đúng hạn. Điều đó khiến hậu vệ này rơi vào tình cảnh khó khăn bởi phải nuôi vợ đang mang thai. Nếu không thanh toán tiền cho Narupon, Melaka United có thể bị cấm chuyển nhượng hoặc trừ điểm tại giải quốc gia.

Ngoài ra, cựu cầu thủ của Melaka United – Curran Singh Ferns kiện đội bóng nợ anh số tiền 97.500 riggit (hơn 560 triệu đồng). Ferns yêu cầu Melaka phải trả số tiền trên trước ngày 17.2. Anh đã nhờ Liên đoàn bóng đá Malaysia và Hiệp hội cầu thủ Malaysia vào cuộc. Nếu Melaka không thanh toán, Ferns nhấn mạnh đội bóng có thể bị thu hồi giấy phép và trục xuất khỏi giải quốc gia.

Đáng chú ý, đây không phải lần đầu Melaka United hành xử thiếu chuyên nghiệp như vậy. Mùa trước, họ đã bị trừ 3 điểm vì nợ lương quá hạn.

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nguồn thu của nhiều đội bóng tại Đông Nam Á bị ảnh hưởng, dẫn đến việc không thực hiện đúng thoả thuận về lương bổng. Việc Đặng Văn Lâm đơn phương chia tay Muangthong United để đến Cerezo Osaka cũng xuất phát từ việc đội bóng Thái Lan không thực hiện đúng cam kết về tài chính. Ở giải hạng 2, câu lạc bộ Lampang FC cũng đang chậm lương cầu thủ nhưng sẽ cam kết trả đủ, không trốn tránh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn