MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Thể thao Việt Nam khó tái lập thành tích của Hoàng Xuân Vinh ở Olympic 2020

ĐĂNG HUỲNH LDO | 13/07/2021 17:59
Đối diện với nhiều khó khăn, đoàn thể thao Việt Nam khó tái lập thành tích mà xạ thủ Hoàng Xuân Vinh từng giành được tại Olympic 2016.

Đoàn Thể thao Việt Nam sẽ tham dự Olympic Tokyo 2020 tại Nhật Bản từ ngày 18.7 – 13.8. Tại kỳ Thế vận hội này, đoàn thể thao Việt Nam có 43 thành viên trong đó có 25 cán bộ đoàn, huấn luyện viên, chuyên gia và 18 vận động viên của 11 môn thể thao.

Trao đổi với Lao Động, ông Trần Đức Phấn cho biết, cho biết về cơ bản các vận động viên đã được tiêm liều 2 vaccine phòng COVID-19.

Về mục tiêu tại Olympoc Tokyo 2020, ông Trần Đức Phấn cho biết, đây là thời điểm khó khăn chung do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Do đó mà ngành thể thao không muốn đưa ra mục tiêu cụ thể nào, tất cả phấn đấu có được thành tích tốt nhất.

Chia sẻ với báo chí trước đó, ông Trần Đức Phấn cũng nhấn mạnh: "Chúng tôi rất hy vọng các vận động viên của môn cử tạ là Thạch Kim Tuấn, Hoàng Thị Duyên có thể mang về huy chương cho đoàn VN. Dù sẽ rất khó khăn thi đấu ở hạng 61kg nhưng sự kỳ vọng với Thạch Kim Tuấn rất lớn.

Lãnh đạo Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch không giao chỉ tiêu nhưng đoàn đăng ký với bộ sẽ cố gắng phấn đấu có huy chương.

Với vận động viên, phải có tâm lý thoải mái, hưng phấn mới có thể thi đấu và giành được kết quả tốt nhất. Vì vậy, không chỉ vận động viên Việt Nam mà cả thế giới có thể sẽ không đạt được kết quả cao nhất như kỳ vọng".

Tại Olympic Rio 2016, Hoàng Xuân Vinh từng giành 1 huy chương vàng 1 huy chương bạc môn bắn súng. Đó là kỳ tích lịch sử của thể thao Việt Nam. 4 năm sau, Hoàng Xuân Vinh dự Thế vận hội theo suất phân bổ của Liên đoàn bắn súng thế giới (ISSF) cho bắn súng Việt Nam ở nội dung 10m súng ngắn hơi nam, bởi lẽ, tại vòng loại Olympic Tokyo 2020, đội tuyển bắn súng Việt Nam không có vận động viên nào giành được tấm vé đến Nhật Bản.

Ông Trần Đức Phấn tiếp tục trong vai trò Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam tại Olympic Tokyo. Ảnh: Ngọc Mai

Do đó, rất khó để thể thao Việt Nam có thể tái lập được thành tích này, nhất là trong bối cảnh các vận động viên không được đi tập huấn và thi đấu quốc tế.

Trong thời gian qua, các vận động viên đều được tập trung, tập huấn ở các trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia. Riêng vận động viên Trương Thị Kim Tuyền (Taekwondo) đang tập huấn tại Kazakhstan. Cô và và chuyên gia Kim Kil Tae (Hàn Quốc) sẽ di chuyển thẳng từ Kazakhstan sang Tokyo.

Ở môn Thể dục dụng cụ, vận động viên Lê Thanh Tùng đang bị chấn thương nhẹ ở cổ chân nhưng vẫn có thể tham dự Olympic.

Việt Nam nằm ở nhóm 2 - nhóm quốc gia có nguy cơ cao về COVID-19. Do đó, các thành viên của đoàn phải kiểm tra COVID-19 liên tục 3 lần trong 3 ngày trước khi lên đường sang Nhật Bản.

Khi đến sân bay tại Tokyo đoàn phải kiểm tra COVID-19 một lần nữa và chờ có kết quả mới trở về làng vận động viên. Sau đó, các thành viên sẽ phải cách ly 3 ngày tại làng vận động viên và tiếp tục kiểm tra COVID-19 trong thời gian này.

Tối nay (13.7), đoàn Thể thao Việt Nam sẽ tổ chức lễ xuất quân tham dự Olympic Tokyo 2020.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn