MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Muốn giành chức vô địch AFF Cup 2020, các đội phải đá 4 trận trong vòng 11 ngày. Ảnh: Mediacorp

Thể thức thi đấu bán kết AFF Cup 2020 có gì bất cập?

TAM NGUYÊN LDO | 21/12/2021 11:14

Việc các đội vào bán kết phải đá thêm 4 trận nữa mới giành chức vô địch AFF Cup 2020 quả thực quá cứng nhắc…

Như vậy là AFF Cup 2020 đã xong vòng bảng, 4 đội giành vé vào bán kết gồm Thái Lan, Singapore (bảng A), Indonesia, Việt Nam (bảng B). Theo thứ hạng từ kết quả các trận đấu, Singapore gặp Indonesia là cặp bán kết 1, Việt Nam gặp Thái Lan là bán kết 2.

Trong khi theo dõi các trận vòng bảng, hẳn nhiều người chưa để ý đến một thông tin đáng chú ý là bước vào vòng bán kết và chung kết, các đội sẽ thi đấu theo thể thức lượt đi và lượt về. Thực ra, thể thức này đã được phê chuẩn và áp dụng từ giải đấu năm 2004. 

Tuy nhiên, đó là thời điểm COVID-19 chưa đem đến những ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống xã hội nói chung và các hoạt động thể thao, bóng đá nói riêng. Chính COVID-19 đã khiến AFF Cup 2020 phải trì hoãn 2 lần - kế hoạch ban đầu là khởi tranh cuối tháng 11.2020 rồi hoãn tới tháng 4.2021 và cuối cùng là tháng 12.2021.

Ban tổ chức AFF Cup 2020 cũng hiểu rõ những tác động của dịch bệnh để xác định rằng, giải đấu sẽ thi đấu trên sân trung lập, nhằm hạn chế sự phức tạp trong vấn đề di chuyển của các đội. Đến ngày 28.9, Singapore là quốc gia được chọn đăng cai.

Nhưng câu hỏi đặt ra là, một khi đã điều chỉnh về địa điểm thi đấu, tại sao ban tổ chức AFF Cup không thay đổi luôn cả thể thức ở vòng đấu loại trực tiếp? Việc đá 2 lượt sân nhà, sân khách dễ chấp nhận trong điều kiện bình thường, nhưng ngay cả khi đã “quy về một mối” mà vẫn đá 2 lượt lại khiến giới chuyên môn cảm thấy khó hiểu.

Trên trang chủ của giải đấu, phần giới thiệu có viết rằng, “thể thức vòng knock-out không thay đổi (so với năm 2018), với các trận bán kết và chung kết đá 2 lượt”. Cũng ở phần này, họ viết, “AFF Suzuki Cup là giải đấu 2 năm một lần do Liên đoàn Bóng đá ASEAN (AFF) tổ chức, được FIFA công nhận và các đội tuyển quốc gia Đông Nam Á tham gia tranh tài”.

Tuyển Việt Nam là đội duy nhất trong 4 đội vào bán kết chưa đá trận nào trên sân National và chỉ được “đi dạo” để làm quen. Ảnh: Fox24

FIFA đã công nhận nhưng họ không có sự tham vấn nào về thể thức giải đấu hay sao? Trong điều kiện dịch bệnh mà vẫn cứng nhắc vậy? Hay bản thân AFF cũng không muốn thay đổi khi có liên quan đến vấn đề tài trợ?

Dịch bệnh là điều không ai mong muốn, nhưng trong bối cảnh chung, sự linh hoạt là điều cần thiết. Liên đoàn Bóng đá Châu Âu (UEFA) từng phải rút gọn Champions League mùa giải 2019-20 qua việc từ vòng tứ kết, các đội tập trung thi đấu tại Bồ Đào Nha và sẽ chỉ đá 1 lượt. Nó không những làm giảm đi sức hấp dẫn mà còn mang đến nhiều kịch tính hơn, mở ra cơ hội gây bất ngờ cho các đội bị đánh giá thấp hơn.

Trở lại với AFF Cup, ban tổ chức có đủ thời gian để tính toán và sắp xếp lại thể thức thi đấu, nhưng không có gì thay đổi cả. Và giờ thì 4 đội sẽ đá 6 trận trên sân National trong vòng 11 ngày, kéo theo các vấn đề khác.

Thứ nhất, đội tuyển Việt Nam gặp bất lợi khi là đội duy nhất chưa thi đấu trên sân này. Kể cả việc tập luyện cũng không được phép. Thứ hai, liệu mặt sân có còn được đảm bảo chất lượng cho đến chung kết? Thứ ba, liệu các trận đấu có đảm bảo chất lượng chuyên môn cao nhất trong điều kiện thể lực không còn ở trạng thái 100%.

Và cuối cùng, ít nhưng không phải không có, ban tổ chức có ngăn được khả năng một đội bóng lên ngôi vô địch bằng cách chọn lối chơi tử thủ từ đầu đến cuối và chờ may mắn trên chấm luân lưu?

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn