MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tiền đạo Văn Toàn và thời cơ ở đội tuyển Việt Nam

AN NGUYÊN LDO | 26/05/2023 16:13

Trong bối cảnh Quang Hải, Văn Đức, Công Phượng, Văn Quyết, Tiến Linh đều gặp những vấn đề riêng, Văn Toàn được xem là tiền đạo đảm bảo được cả 2 yếu tố cần và đủ cho đội tuyển quốc gia. 

Câu chuyện tiền đạo của tuyển Việt Nam

Bóng đá Việt Nam đang ở trong giai đoạn không chỉ chuyển dịch ở góc độ huấn luyện viên trưởng đội tuyển quốc gia, mà còn là giai đoạn đổi ngôi về thế hệ cầu thủ thi đấu. 

Giống như thời điểm 6 năm trước khi người tiền nhiệm Park Hang-seo đặt nền móng đầu tiên cho nhiệm kì của mình bằng những gương mặt trẻ trưởng thành từ đội U23 Việt Nam, thì huấn luyện viên đương nhiệm Philippe Troussier cũng hướng đến một lộ trình tương tự, dựa trên những cầu thủ thuộc 2 lứa 2001-2003 và 2003-2005 mà ông gắn bó và hiểu biết cặn kẽ.

Tất nhiên, cũng như ông Park, việc trẻ hoá đội hình ở cấp độ đội tuyển quốc gia đối với ông Troussier sẽ không diễn ra một cách tuyệt đối. Việc không bị giới hạn về độ tuổi cho phép nhà cầm quân người Pháp thoải mái chọn lựa những cầu thủ có chất lượng cao hơn, phong độ tốt hơn và kinh nghiệm dày dạn hơn.

Và đương nhiên, tiền đạo - vị trí trọng yếu là điều cần phải nhắc đến.

Nhìn từ lứa U22 Việt Nam, Văn Tùng có thể xem là tiền đạo "con cưng" của huấn luyện viên Troussier. Anh đã thể hiện khả năng của mình với 5 bàn thắng tại SEA Games 32.

Tuy nhiên, điều đó là chưa đủ để chân sút sinh năm 2001 có cơ hội chiếm một vị trí "cứng" ở cấp độ đội tuyển Việt Nam. Cầu thủ này mới chỉ có một thời lượng thi đấu ít ỏi ở V.League, tương tự các tiền đạo khác cùng lứa hoặc trẻ hơn vài tuổi như Văn Khang, Văn Trường hay Văn Đô, Thanh Nhàn, Quốc Việt.

Trở lại thời của ông Park Hang-seo, ngay cả khi có trong tay những chân sút tiềm lực và được cọ xát ở mặt trận V.League như Công Phượng, Quang Hải, Văn Đức, Đức Chinh, Văn Toàn, nhà cầm quân Hàn Quốc vẫn phải đặt niềm tin vào "lão tướng" Anh Đức, đặc biệt trong giai đoạn 2018 và 2019.

Mãi sau này, khi Tiến Linh thật sự đạt phong độ cao, ông Park mới tiết chế chuyện triệu tập Anh Đức lên đội tuyển.

Tiến Linh, Phan Văn Đức là những tiền đạo thường xuyên được sử dụng dưới thời huấn luyện viên Park Hang-seo. Ảnh: Minh Dân 

Nói vậy để thấy, trong trường hợp hiện tại của huấn luyện viên đương nhiệm Troussier, chuyện sử dụng những tiền đạo ngoài ranh giới U23 cho đội tuyển Việt Nam cũng là điều hiển nhiên, đặc biệt trong giai đoạn năm 2023 và 2024 - vốn là bản lề hướng tới Asian Cup 2023 cũng như giấc mơ World Cup 2026.

Thời cơ của Văn Toàn

Vậy, những tiền đạo kì cựu mà ông Troussier có thể sẽ triệu tập lên đội tuyển Việt Nam, song hành với các cầu thủ trẻ U23 vào tháng 6 tới đây sẽ là ai?

Sẽ không bất ngờ khi 3 cầu thủ thi đấu ở nước ngoài vốn không hiện diện trong đợt tập trung hồi tháng 3 vừa rồi như Văn Toàn, Quang Hải, Công Phượng được ông thầy người Pháp điền vào danh sách trong đợt hội quân sắp tới.

Có một chi tiết đáng chú ý, khác với Quang Hải, Công Phượng, Văn Toàn lại là trường hợp tương đối thành công ở thời điểm hiện tại.

Trong màu áo Seoul E-Land, đội bóng tại giải hạng 2 Hàn Quốc, tiền đạo người Hải Dương đã được thi đấu 7 trận chính thức, với tổng thời gian tính đến hiện tại là 280 phút.

Dấu ấn của Văn Toàn là một đường kiến tạo thành bàn và đôi lần hãm thành đối phương sắc sảo. Quan trọng hơn, Văn Toàn nằm trong kế hoạch của huấn luyện viên Park Choong-kyun tại Seoul E-land.

Vậy nên, ngay cả khi đá chính hay vào sân từ băng ghế dự bị, Văn Toàn cũng được tính toán để làm sao phù hợp với thế trận và lối chơi của toàn đội bóng.

Điều này khác với Quang Hải tại Pau FC. Tiền vệ được đánh giá là hay nhất bóng đá Việt Nam hiện tại đang rơi vào tình thế không thể hòa nhập với lối chơi chung của đội bóng nước Pháp.

Vậy nên, ngay cả khi được thi đấu tới 12 trận ở Ligue 2, tổng thời gian mà Quang Hải hiện diện trên sân cũng chỉ vỏn vẹn ở mức 252 phút, tức là thấp hơn so với những gì mà Văn Toàn có được tính đến thời điểm này.

Văn Toàn nhỉnh hơn so với 2 đồng đội xuất ngoại. Ngoài ra, anh thậm chí còn thuận lợi hơn cả với các tiền đạo nội nổi bật đang thi đấu ở V.League lúc này.

Tiền đạo Văn Toàn có phong độ tốt trong màu áo đội bóng mới tại Hàn Quốc. Ảnh: Seoul E-Land FC

Văn Quyết, chân sút chủ lực của Hà Nội FC đang đạt hiệu suất săn bàn ấn tượng (6 bàn) thì bất ngờ lĩnh án treo giò 8 trận đấu. Văn Đức trước khi phải nghỉ dài hạn vì chấn thương dây chằng cũng đã mất phong độ ở cấp đội tuyển quốc gia.

Tiến Linh, tiền đạo hàng đầu của bóng đá Việt Nam năm ngoái với hơn 20 pha lập công bỗng dưng tịt ngòi và mất phong độ ở mùa giải năm nay.

Hai chân sút khác là Đức Chinh và Tuấn Hải cũng không thật sự tạo dấu ấn nổi bật trong những 8 vòng đấu đã qua tại V.League.

Rõ ràng, đối chiếu với lực lượng tiền đạo tốt nhất mà bóng đá Việt Nam có được trong 3 năm trở lại đây, Văn Toàn nổi lên như một cầu thủ có phong độ nổi bật và thuận lợi trong quá trình thi đấu.

Một điểm nữa giúp Văn Toàn sáng cửa xuất hiện ngay từ đội hình chính của tuyển Việt Nam chính là việc chọn lựa 3 tiền đạo của ông Philippe Troussier.

Trong đó, nhiệm vụ của tiền đạo biên (vị trí sở trường của Văn Toàn) được ông Trousiser chú trọng trong việc gây sức ép tầm cao khi đối phương có bóng cũng như tổ chức phản công nhanh mỗi khi đội nhà có bóng. Văn Toàn là một lựa chọn đáng để huấn luyện viên Troussier thử nghiệm.

Tất nhiên, hạn chế về thể lực, không thường xuyên gây sức ép tầm cao sẽ là điểm trừ mà Văn Toàn cần phải để tâm và cải thiện, nếu như muốn trở thành lựa chọn hàng đầu trong đội hình chính của tuyển Việt Nam ở giai đoạn tới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn