MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hình ảnh cổ động viên Nam Định rượt đuổi trọng tài ở mùa giải 2018. Ảnh: Trọng Tùng

Trọng tài V.League và tự trọng nghề nghiệp

PHẠM ĐÌNH LDO | 23/07/2020 11:16

Trọng tài V.League đang tự đánh mất đi sự tôn trọng của các đội bóng, khán giả về nghề nghiệp.

Trọng tài, nhìn nhận ở góc độ nghề nghiệp có nhiều đặc thù. Đó là một nghề mà muốn thành công cần nhận được sự tôn trọng cả trong lẫn ngoài sân cỏ. Mọi quyết định của trọng tài không được tôn trọng, trận đấu sẽ bị phá hỏng.

Đó chỉ là nghề tay trái nhưng lại mang lại thu nhập, danh tiếng và quyết định để cả sự nghiệp của các trọng tài Việt Nam. Ông Nguyễn Văn Mùi khi còn làm Trưởng Ban trọng tài VFF đã chia sẻ rằng, các trọng tài theo nghề này không chỉ chịu trách nhiệm danh dự với gia đình mà còn cả cơ quan nơi họ làm việc.

Có trọng tài vì mắc sai sót lỗi nhận định, bị báo chí và dư luận nói nhiều quá mà ảnh hưởng không nhỏ đến công việc, có người vì thế mà không được kết nạp Đảng, không được bổ nhiệm... Hơn hết chính gia đình, vợ con họ cũng nhận được không ít lời gièm pha, tai tiếng. Thế nên nghề trọng tài dù không phải nghề nghiệp chính nhưng lại có ảnh hưởng đến cuộc sống và quá nhiều thứ. Và đó là nghề nghiệp đặc trưng cần nhận được sự chia sẻ. 

Ông Mùi cũng chia sẻ rằng, nghề trọng tài luôn bạc, cả mùa làm tốt không sao chỉ một trận đấu thôi có thể mất nghiệp vì áp lực dư luận. Cứ nhìn cách các trọng tài bị kỷ luật đã bỏ luôn nghề là đủ hiểu.

Trọng tài bị cổ động viên Nam Định rượt đuổi mùa giải 2018. Ảnh: Hải Anh

Trường hợp điển hình nhất là cựu trọng tài Phùng Đình Dũng là giảng viên Khoa Giáo dục thể chất của ĐHQG Hà Nội. Khi mắc sai sót, thông tin từ báo chí, dư luận đã ảnh hưởng không nhỏ đến nghề giáo viên cũng như gia đình ông. Vì áp lực quá lớn từ dư luận và báo chí, ông đã bỏ luôn nghề. Dù ông Mùi đã nhiều lần thuyết phục nhưng thầy Dũng nhất quyết không thay đổi quyết định. 

Cần nhìn lại những con số thống kê biết nói của mùa giải 2019 để thấy rằng, công tác điều hành của các trọng tài quá yếu kém: V.League 2019, có 20/26 trọng tài mắc sai sót (chiếm tỉ lệ  77%); 20/33 trợ lý mắc sai sót (chiếm tỉ lệ 61%). 

Mùa giải 2019 cũng chứng kiến những sai sót rơi vào nhiều trọng tài có kinh nghiệm, thậm chí là trọng tài FIFA. Chủ tịch VPF Trần Anh Tú đã từng nói rằng: "Tôi nghĩ các trọng tài đó có thể đã ỉ lại về kinh nghiệm nên họ đã không có sự chuẩn bị tốt cho mỗi trận đấu. Nếu một trọng tài nghiêm túc với nghề sẽ có sự chuẩn bị tốt hơn".

Đến mùa giải 2020, sự yếu kém của công tác trọng tài khiến cho không chỉ các đội bóng mà ban tổ chức giải cũng ngao ngán trong sự bất lực. Lần này, sai sót rơi vào nhiều trọng tài trẻ, ít kinh nghiệm hoặc mới được đôn lên V.League. Tất cả đang đánh mất đi sự tôn trọng của cầu thủ, huấn  luyện viên và người hâm mộ dành cho mình.

Huấn luyện viên Nguyễn Văn Sỹ của Dược Nam Hà Nam Định thậm chí còn nói thẳng rằng, nếu có liêm sỉ thì Trưởng Ban trọng tài Dương Văn Hiền nên từ chức. Và thậm chí, Nam Định sẵn sàng bỏ giải vì trọng tài. 

Tất cả vẫn còn nhớ hình ảnh trọng tài Trần Đình Thịnh bị cổ động viên Nam Định rượt đổi đánh ở sân Thiên Trường mùa giải 2018 vì quyết định tranh cãi. Đó là hình ảnh điển hình khi sự tôn trọng dành cho trọng tài không còn. Và để những hình ảnh đó không còn lặp lại, trọng tài cần giữ được sự tự trọng cho chính nghề nghiệp của mình. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn