MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công Phượng chọn Yokohama FC để đầu quân nhưng vẫn chưa được thi đấu nhiều. Ảnh: Yokohama FC

Tự định hướng khi xuất ngoại và điểm yếu của cầu thủ Việt Nam

NGUYỄN ĐĂNG LDO | 27/03/2023 18:53
Khả năng tự định hướng, đánh giá chính xác năng lực bản thân, chọn đội bóng phù hợp khi xuất ngoại của cầu thủ Việt Nam còn yếu, trừ trường hợp của Huỳnh Như. 

“Nhật Bản không phải là điểm đến dễ như nhiều người nghĩ, bởi đã có không ít cầu thủ khi kí hợp đồng tại Việt Nam đã là cầu thủ chuyên nghiệp nhưng khi sang giải hạng 3 ở Nhật cũng không được đăng ký thi đấu, đó là chuyện bình thường”, ông Hideharu Shinozaki - Giám đốc học viện đào tạo trẻ câu lạc bộ Jubilo Iwata cho biết.

Thực tế mà ông Shinozaki chỉ ra hoàn toàn chính xác với những gì đã và đang diễn ra với cầu thủ Việt Nam, không chỉ riêng môi trường bóng đá Nhật Bản. Kể từ năm 2013, ít nhất 8 cầu thủ Việt Nam đã sang Nhật Bản thi đấu, rải đều từ J.League 1 đến J.League 3 gồm Lê Công Vinh, Nguyễn Công Phượng, Nguyễn Tuấn Anh, Nguyễn Văn Sơn, Bùi Ngọc Long, Phạm Văn Luân, Vũ Hồng Quân và Nguyễn Ngọc Hậu. Tuy nhiên, không một ai trong số này có được vị trí chính thức tại đội bóng chủ quản.

Trường hợp của Công Phượng là thất vọng nhất. Năm 2015, anh thi đấu cho Mito Hollyhock tại J.League 2 theo dạng cho mượn. Chân sút này chỉ có hơn 80 phút ra sân, một phần vì chấn thương nặng ở vai, khiến kế hoạch tập luyện trước mùa giải. Sau 8 năm, Công Phượng trở lại và chọn Yokohama FC ở J.League 1.

Huỳnh Như là trường hợp cầu thủ Việt Nam xuất ngoại thành công nhất khi cô đã chọn cho mình một hướng đi hợp lý, phù hợp. Ảnh: Dũng Phương

Tuy nhiên, mọi chuyện vẫn như cũ. Công Phượng vẫn xuất hiện trong những chiến dịch truyền thông, thậm chí lên hình ảnh trước một trận đấu mới đây, nhưng… không được ra sân.

Lý do dễ hiểu nhất cho việc Phượng hay những cầu thủ từng sang Nhật Bản không có được chỗ đứng xuất phát từ năng lực chuyên môn. Nếu họ có tài năng vượt trội cầu thủ Nhật Bản, chắc chắn họ sẽ được trọng dụng.

Theo chuyên gia của Jubilo Iwata, cầu thủ Nhật Bản khi sang Châu Âu thi đấu ở môi trường cao hơn, khả năng tự phân tích, định hướng, chọn đội bóng phù hợp là điều vô cùng quan trọng, quyết định đến khả năng thành công. Trong việc này, cầu thủ rất cần những phân tích, đóng góp hợp lý từ người đại diện.

Một số ngôi sao của tuyển Nhật Bản đã thành công khi đi theo hướng này. Takehiro Tomiyasu chọn Bỉ làm điểm đến đầu tiên khi xuất ngoại khi khoác áo Sint-Truidense. Sau khi chứng tỏ được năng lực, anh được Bologna (Italy) đưa về, trước khi sang khoác áo Arsenal.

Hậu vệ này đang đứng trước cơ hội vô địch Premier League mùa này. Tương tự là Kaoru Mitoma, anh có thời gian làm quen với môi trường bóng đá của lục địa già tại Union SG (Bỉ), trước khi đủ cứng cáp để cạnh tranh vị trí tại Brighton.

Nhìn chung, ngoài Huỳnh Như có định hướng rõ ràng, phù hợp và tạo được ảnh hưởng rõ ràng về chuyên môn, thành công khi xuất ngoại, hầu hết cầu thủ Việt Nam đều còn nhiều hạn chế khi chọn đội bóng đầu quân sau khi rời Việt Nam. Họ không chỉ gặp khó khăn ở môi trường bóng đá Nhật Bản mà còn ở Hàn Quốc, Hà Lan, Pháp hay thậm chí ở Thái Lan.

Để thay đổi điều này, cầu thủ Việt Nam cần thời gian. Quan trọng nhất, họ phải có sự cân nhắc thật kỹ, chọn đối tác đồng hành và thời điểm xuất ngoại thật sự phù hợp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn