MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh: FOX.

U23 Việt Nam về nước: Thấy thương Đình Trọng...

VIỆT HÙNG LDO | 18/01/2020 09:05

Người chơi hay nhất trong đội hình U23 Việt Nam tại U23 Châu Á đã kết thúc giải với một tấm thẻ đỏ, điều không ai muốn thấy.

Thầy Park và Đình Trọng cùng nén đau

Ở V.League 2019, Đình Trọng dính chấn thương nặng và phải phẫu thuật. Anh đã nghỉ thi đấu SEA Games 30 và phần lớn chiến dịch vòng loại World Cup 2022. 

Trước thềm U23 Châu Á 2020, trước viễn cảnh hàng thủ không thể tìm được chỗ dựa tin cậy, ông Park đã triệu tập Đình Trọng trở lại. Khi ban huấn luyện công bố đội hình sơ bộ, trung vệ của đội Hà Nội không có tên. Nhưng đến phút cuối cùng, Đình Trọng lại xuất hiện và theo các đồng đội sang Thái.

Hai trận đầu tiên gặp U23 UAE và U23 Jordan, Đình Trọng không được xuất phát từ đầu mà chỉ được thi đấu khi ông Park cảm thấy hàng thủ đang đứng trước ranh giới đổ vỡ.

Đó là sự "nén đau" của ban huấn luyện khi mạo hiểm sử dụng trung vệ này. Mỗi lần Trọng ngã xuống sân, ông Park và các trợ lý lại cau mày lo lắng. Bởi nếu chấn thương tái phát, người hâm mộ có lẽ còn lâu nữa mới được thấy Trọng thi đấu.

Ảnh: L.T

Sự mạo hiểm ấy không chỉ của ông Park mà còn là sự đánh đổi của Đình Trọng. Trong một giải đấu lớn với tâm thế là đương kim Á quân, sức ép cho anh và các đồng đội rất lớn. Đó có thể là một trong những lý do lớn nhất khiến trung vệ này nén đau để ra sân. 

Cơ thể của Đình Trọng, không ai hiểu hơn anh ấy. Khi mọi thứ chưa được đảm bảo nhưng vẫn cố gắng để ra sân, điều đó đủ thấy sức ép về thành tích trong giải lần này khủng khiếp như thế nào.

Đình Trọng đá rất hay nhưng chưa đủ

Ở trận đấu cuối khi buộc phải thắng cách biệt U23 CHDCND Triều Tiên, ông Park đã sử dụng cả Tiến Linh và Đức Chinh. Điều này đồng nghĩa với việc tuyến phòng ngự sẽ mất đi một phương án và Đình Trọng buộc phải xuất hiện ngay từ đầu.

Trong các pha đón phản công, khả năng đọc tình huống của trung vệ này được đánh giá vượt trội so với những người đồng nghiệp. Chưa kể ở những tình huống tranh chấp tay đôi, chỉ cần một vài động tác cài người đơn giản, bóng đã nằm trong tầm kiểm soát của Đình Trọng.

Nhưng trong một ngày hàng thủ chơi quá tệ, đỉnh điểm là tình huống bị thổi phạt penalty, tất cả đã sụp đổ. Đình Trọng không mắc lỗi trong tình huống ấy nhưng cũng không thể đóng vai Tiến Dũng để cứu thua cho đội nhà.

U23 Việt Nam bị loại và Đình Trọng trở thành cựu Á quân, đó là kết cục buồn phải chấp nhận.

Ảnh: N.A

Tấm thẻ đỏ và sự bất lực vì không thể gánh vác hết

U23 Triều Tiên là đội có hàng công không mạnh nhưng trong một ngày phải chạy hết công suất, Đình Trọng không thể không phạm lỗi. 

Anh phải dạt biên để chống các tình huống băng cắt trung lộ của đối thủ, phải dâng lên để phòng ngự từ xa, thậm chí phải xoạc bóng ở những khu vực nguy hiểm. Khi các đồng đội xung quanh không thể theo kịp lối chơi của đối thủ, Trọng đã làm thay hết kể cả chuyện phạm lỗi.

2 tấm thẻ vàng phải nhận khiến mọi việc tồi tệ hơn khi Trọng sẽ bị treo giò ở trận gặp Malaysia tại vòng loại World Cup. Theo lời thầy Park, đó là trận đấu cực kì quan trọng bởi nếu đội Việt Nam thắng, cơ hội đi tiếp vào vòng loại cuối cùng sẽ rộng mở hơn bao giờ hết.

Ảnh: L.T

Cần nhiều hơn những cái tên như Đình Trọng

Thất bại ở U23 Châu Á 2020 chỉ ra rất nhiều điểm thiếu sót trong đội hình của ông Park, trong đó đặc biệt là hàng thủ. Trong tương lai gần, ở các giải trẻ sắp tới, hàng phòng ngự phải là khu vực cần được đầu tư trọng điểm, kể cả vị trí thủ môn để tránh những bàn thua đáng tiếc.

Một nhà vô địch chỉ được hình thành dựa trên sức mạnh phòng ngự. Trong 3 năm hợp đồng tiếp theo, ông Park sẽ còn đối diện nhiều thách thức hơn nữa. Cần nhiều hơn những cái tên như Đình Trọng để đảm bảo mọi thứ không bị rơi xuống đáy của sự thất vọng như ở giải U23 Châu Á vừa qua.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn