MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Văn Hậu một lần nữa là tâm điểm của những tranh cãi. Ảnh: Minh Dân

Văn Toàn, Văn Hậu trên ranh giới quyết liệt và bạo lực

LÊ VINH LDO | 29/12/2022 07:35
Hành vi của Văn Hậu được xếp vào một trong những khía cạnh bạo lực trong bóng đá...

Lãnh đạo VFF và huấn luyện viên Park Hang-seo có đặt câu hỏi vì sao người nhận thẻ đỏ lại không bị chỉ trích nhiều bằng một cá nhân mang về một quả 11m trong chiến thắng của đội tuyển Việt Nam?

Tỉ số 3-0 mà tuyển Việt Nam có trước tuyển Malaysia mang đến niềm vui cho người hâm mộ nước nhà. Nhưng bên lề cuộc vui ấy, những câu chuyện bàn luận lại không phải là tính thuyết phục của chiến thắng ra sao.

Thay vào đó, người hâm mộ, các chuyên gia, giới truyền thông đã đặt lên bàn cân câu chuyện ranh giới trong hành vi của cá nhân cầu thủ, được phép hay không được phép…

Có 2 điểm nhấn trong trận đấu trên sân Mỹ Đình để diễn giải cho vấn đề này. Một là 2 tấm thẻ vàng của Văn Toàn và một là hàng loạt những hành động của Văn Hậu. Một người phải rời sân sau 33 phút thi đấu, một người đá trọn vẹn 90 phút và thậm chí còn mang về cho đội tuyển Việt Nam một quả 11m.

Sẽ không tập trung vào chuyện vì sao lại là một quả penalty mà ở đây, hành vi chơi bóng là điểm nhấn. Câu hỏi đặt ra là, vì sao trọng tài lại rút thẻ với Văn Toàn, trong khi Văn Hậu lại không?

Văn Toàn nhận thẻ đỏ nhưng lại không bị chỉ trích quá nhiều. Ảnh: Minh Dân

Mỗi người có sự nhìn nhận riêng, trọng tài cũng vậy. Nên trọng tài Ryuji Sato cũng có một tiêu chí cho riêng mình về hành vi cầu thủ? Ông coi hành vi của Văn Toàn là nguy hiểm, trong khi Văn Hậu thì không!?

Theo tiêu chuẩn đó, Văn Toàn đáng bị chê trách vì đẩy đội tuyển Việt Nam vào tình thế khó khăn. Ngược lại, cần phải khen Văn Hậu, vừa góp phần mang về 3 điểm, vừa khiến đối thủ bị đau, ức chế và trả đũa…

Tuy nhiên, ở góc độ khác, phản ứng của người hâm mộ lại cho thấy vấn đề. Tại sao Văn Toàn không bị chỉ trích nhiều bằng Văn Hậu? Đơn giản thôi, những lỗi của Văn Toàn đơn thuần mang tính chuyên môn – phạm lỗi để ngăn đối thủ phản công và vào bóng chậm hơn đối thủ.

Hãy để ý cụm từ “ác ý”. Hành vi của cầu thủ người Hải Dương không bị cho là ác ý, mà sai sót trong phán đoán của anh dẫn đến việc chậm chân hơn. Dĩ nhiên, khi nó trở thành một pha phạm lỗi, Văn Toàn xứng đáng nhận thẻ.

Nhưng nếu vậy, Văn Hậu còn xứng đáng nhận… 2 thẻ đỏ. Rất nhiều người cùng quan điểm này.

Những pha bóng của Văn Hậu không bị trọng tài xử lý nhưng không thể qua mắt người xem. Ảnh: Minh Dân

Sẽ thật nguy hiểm nếu đặt bóng đá dưới góc nhìn là “cuộc chơi của những người đàn ông” để lý giải cho các hành vi tiểu xảo, đá xấu, bạo lực. Càng nguy hiểm hơn nếu đặt trong bối cảnh “làm tất cả để thắng”.

Đôi khi người ta hiểu sai từ “tất cả”. Để gắn vào đó cả những hình thức đại diện cho sự tiêu cực. Đáng buồn là, hành động của Văn Hậu không chỉ riêng ở trận đấu với Malaysia, mà xuất hiện tại V.League, nơi hậu vệ người Thái Bình từng khiến các đồng đội trên tuyển phải “ăn chỏ”.

Thế nhưng, đã không có một động thái nào từ các trọng tài, ban lãnh đạo câu lạc bộ và kể cả huấn luyện viên Park Hang-seo.

Có một sự trùng hợp trong câu chuyện gây tranh cãi này, khi gắn vào yếu tố đẹp hay không đẹp. Theo đó, như tất cả đều biết, câu lạc bộ Hoàng Anh Gia Lai được xây dựng trên nền tảng bóng đá đẹp, chơi fair-play, nhưng nhiều năm trôi qua, họ không giành được danh hiệu nào.

Huấn luyện viên Park Hang-seo vẫn bảo vệ cầu thủ của mình trước truyền thông. Ảnh: Minh Dân

Trong khi đó, Văn Hậu và câu lạc bộ Hà Nội lại có chức vô địch V.League. Nghĩa là, đẹp sẽ không ích gì nếu thành quả là con số 0, và ngược lại, xấu nhưng vô địch thì vẫn được tôn vinh.

Văn Toàn và Văn Hậu ở trận đấu trên sân Mỹ Đình tối 27.12 là hình ảnh thu nhỏ cho điều đó. Một Văn Toàn quyết liệt nhưng quá ngây thơ, một Văn Hậu quá lọc lõi ở tuổi 23. Nhưng thực tế là, không phải ai cũng thấy chức vô địch của Hà Nội FC là thuyết phục…

Sẽ không đặt ra giả định “nếu có VAR” hay “nếu ở một giải đấu khác”, cũng không đặt giả thuyết “nếu tuyển Việt Nam thua”. Ngay cả khi giành chiến thắng thì vẫn cần khẳng định ngay rằng, bạo lực trong bóng đá là không thể chấp nhận.

Hành vi của Văn Hậu là một trong những hình thức bạo lực và cần được chấn chỉnh. Chúng ta từng chỉ trích một số cầu thủ Thái Lan, Indonesia, Malaysia vì phong cách, lối đá bạo lực của họ, tại sao không thể làm như thế với cầu thủ Việt Nam?

Tuyển Việt Nam có thể vô địch, nhưng tặc lưỡi thỏa hiệp với kiểu chơi xấu xí, chắc gì người hâm mộ nước nhà cũng như trong khu vực cảm thấy tâm phục khẩu phục?

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn