MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

VFF “tuýt còi” Quế Ngọc Hải: Nhẹ tay không có nghĩa là bao che

MAI TRANG LDO | 04/09/2020 13:52

Việc VFF “tuýt còi” Quế Ngọc Hải liên quan đến vụ việc vi phạm bản quyền hình ảnh cho thấy mục tiêu hướng đến sự chuyên nghiệp của bóng đá Việt Nam.

Tuyển thủ Quế Ngọc Hải trở thành tâm điểm của dư luận khi xuất hiện trong video quảng cáo của một hãng game di động. Đoạn video kéo dài hơn 3 phút vi phạm bản quyền hình ảnh khi sử dụng những cảnh quay của đội tuyển Việt Nam tại AFF Cup 2018 và vòng loại World Cup 2022.

Ở thông cáo báo chí mới đây nhất, VFF yêu cầu nhãn hàng này gỡ bỏ tất cả những cảnh quay liên quan hoặc hình ảnh gây liên tưởng đến đội tuyển Việt Nam. Đồng thời VFF cũng có buổi làm việc với trung vệ Quế Ngọc Hải trên tinh thần thiện chí và mang tính xây dựng.

Trong quá khứ, một số cầu thủ như Công Phượng, Quang Hải từng tham gia vào các video quảng cáo vi phạm bản quyền hình ảnh theo những mô típ khác nhau. VFF đã có sự can thiệp, với hướng xử lý luôn có sự mềm mỏng. Thế nhưng đừng bao giờ nhầm lẫn sự mềm mỏng với nhân nhượng.

Quế Ngọc Hải xuất hiện trong video quảng cáo vi phạm bản quyền hình ảnh đội tuyển Việt Nam. Ảnh: Trích video

Lấy ví dụ ngay từ vụ việc của Quế Ngọc Hải. Chỉ 3 ngày sau khi đăng tải đoạn video quảng cáo, VFF đã có hình thức xử lý chuyên nghiệp khi yêu cầu nhãn hàng phải gỡ bỏ toàn bộ cảnh quay liên quan đến đội tuyển Việt Nam.

Hiện tại, đơn vị này đã dừng khai thác hình ảnh của đội tuyển Việt Nam và đoạn clip này cũng không còn xuất hiện trên các phương tiện đại chúng. Tuy nhiên, VFF cũng không đẩy cầu thủ vào “thế khó” khi trao đổi mang tính xây dựng để có thêm hiểu biết và tránh mắc sai sót.

“Sai phạm của nhãn hàng quảng cáo là khá rõ ràng rồi, việc sử dụng những hình ảnh khi Quế Ngọc Hải thi đấu cho ĐT Việt Nam thuộc bản quyền của AFC là sai, theo khoản 13 Điều 8, Luật Quảng cáo 2012 về các hành vi cấm trong lĩnh vực quảng cáo. Còn về phía Quế Ngọc Hải, tôi cho rằng phải xác định việc mặc áo có quốc kỳ Việt Nam trên ngực áo có gây nhầm lẫn với áo đội tuyển quốc gia hay không? Vấn đề này thuộc về cơ quan chuyên môn về sở hữu trí tuệ. Nhưng việc Hải đưa quảng cáo vi phạm bản quyền lên trang cá nhân thì đã sai.”, luật sư Nguyễn Đức Chánh nói với Lao Động.

Trong lĩnh vực tài trợ, khai thác hình ảnh thương mại thể thao, phía nhà tài trợ cần thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ về tài chính, cách sử dụng hình ảnh sao cho phù hợp. Nhưng ngược lại, bên cung cấp hình ảnh cũng có nghĩa vụ phải đảm bảo quyền lợi của các nhà tài trợ. Không thể có chuyện một nhãn hàng không bỏ ra chi phí, thích “lách luật” nhưng quyền lợi lại ngang với những doanh nghiệp khác.

Việc “tuýt còi” Quế Ngọc Hải cũng chứng minh cách làm việc chuyên nghiệp của VFF khi bảo vệ quyền lợi cho nhà tài trợ ở thời điểm hiện tại và trong tương lai. Điều này làm tăng sự tin tưởng và giá trị hình ảnh của VFF cũng được nâng lên trong mắt các đối tác. Một doanh nghiệp khi đồng hành cùng đội tuyển Việt Nam phải bỏ ra số tiền không nhỏ để khai thác hình ảnh, cái họ cần chính là việc đảm bảo quyền lợi công bằng giữa hai bên.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn