MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tân giám đốc kĩ thuật Koshida Takeshi. Ảnh: VFF

Vị trí Giám đốc kĩ thuật có giá trị với bóng đá Việt Nam

MINH PHONG LDO | 01/06/2023 13:50

Ông Koshida Takeshi chỉ mới là vị Giám đốc kĩ thuật thứ 4 trong lịch sử bóng đá Việt Nam. Con số ấy ít hơn rất nhiều so với bản danh sách rất dài liên quan đến huấn luyện viên trưởng đội tuyển Việt Nam.

Vai trò nào cho Giám đốc kĩ thuật?

Năm 2002, bóng đá Việt Nam có Giám đốc kĩ thuật đầu tiên trong lịch sử, đó là chuyên gia người Đức - Rainer Willfeld. Tuy nhiên, phải thừa nhận một sự thật, không nhiều người nhớ được cái tên Rainer Willfeld.

Có chăng, chỉ những chuyên gia kỳ cựu hay những huấn luyện viên ở giai đoạn chuyển mình lịch sử của bóng đá Việt Nam khi ấy mới tường tận dấu ấn của giám đốc kĩ thuật Willfeld.

Cố huấn luyện viên Lê Thụy Hải từng chia sẻ trên báo giới: “Khi giám đốc kỹ thuật Rainer đến Việt Nam làm việc, ông ấy mở lớp phổ cập về việc chuẩn bị thể lực, tôi và nhiều đồng nghiệp như Đoàn Phùng, Trần Bình Sự, Lê Đình Chính, Trần Vũ... đăng kí đi học và vỡ ra rất nhiều điều bổ ích cũng như hiểu sâu hơn sự tân tiến về huấn luyện thể lực trước mùa giải mới.

Chuyên gia Steve Darby - người từng làm giám đốc kĩ thuật ở Liên đoàn bóng đá Australia, Thái Lan và Lào thừa nhận vị trí này không có công việc thật sự rõ ràng. Tùy thuộc vào yêu cầu của từng Liên đoàn, Giám đốc kĩ thuật sẽ giữ vai trò khác nhau và làm những công việc khác nhau.

Đơn cử như tại Australia, ông Darby chịu trách nhiệm đào tạo huấn luyện viên. Tại Thái Lan, ông chủ trương phát triển bóng đá trẻ và lập kế hoạch cho đội tuyển quốc gia. Còn tại Lào, huấn luyện viên Darby không chỉ nắm đội tuyển quốc gia mà còn điều hành công việc huấn luyện các huấn luyện viên ở đây.

Huấn luyện viên Jurgen Gede giữ vai trò giám đốc kĩ thuật VFF giai đoạn 2016-2020. Ảnh: Đăng Huỳnh 

Bản thân chuyên gia Đoàn Minh Xương từng nhấn mạnh công việc của giám đốc kĩ thuật không phải là đi "trinh sát" đối thủ rồi tư vấn cho huấn luyện viên trưởng đội tuyển U22, U23 hay đội tuyển quốc gia. Đó là những công việc của các trợ lí huấn luyện viên chứ không phải của giám đốc kĩ thuật.

Ông Dương Vũ Lâm - nguyên Trưởng đoàn đội tuyển U23 và đội tuyển Việt Nam nhấn mạnh, giám đốc kĩ thuật là người vạch ra lộ trình phát triển bóng đá, dựa trên điều kiện về cơ sở vật chất, điều kiện tài chính, nguồn nhân lực.

Đặc biệt là việc đề ra hệ thống huấn luyện dành cho công tác đào tạo bóng đá trẻ xuyên suốt khắp cả nước, trong đó bao gồm cả đào tạo cầu thủ lẫn huấn luyện viên.

Dấu ấn đáng thừa nhận của Giám đốc kĩ thuật VFF

Có một sự thật cần nói đến ở bóng đá Việt Nam, đó là vai trò của giám đốc kĩ thuật chưa bao giờ có sức nặng như huấn luyện viên trưởng đội tuyển quốc gia.

Ông Koshida Takeshi - người vừa mới được VFF kí hợp đồng mới chỉ là giám đốc kĩ thuật thứ 4 trong lịch sử bóng đá Việt Nam trong hơn 30 năm qua, sau ông Yusuke Adaichi, Juergen Gede hay xa hơn là Rainer Willfeld. Trong khi đó, chưa nói đến huấn luyện viên nội, chỉ tính số huấn luyện viên ngoại nắm quyền đội tuyển Việt Nam trong 3 thập kỉ qua đã lên tới 10 người. 

Giám đốc kĩ thuật Yusuke Adaichi làm việc trong giai đoạn bóng đá bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Ảnh: VFF 

Với một bộ phận giới mộ điệu, thành bại của đội tuyển Việt Nam đóng vai trò quan trọng nhất của cả nền bóng đá. Và vì thế, dấu ấn của huấn luyện viên trưởng đội tuyển quốc gia cũng được coi trọng hơn tất cả.

Điều đó vô hình trung khiến dấu ấn của vị trí giám đốc kĩ thuật bóng đá Việt Nam bị lu mờ, dù rằng ở giai đoạn 2016-2020, ông Juergen Gede đã có công lớn trong việc hỗ trợ giúp U20 Việt Nam của huấn luyện viên Hoàng Anh Tuấn dự vòng chung kết U20 World Cup, hay chính ông Gede cũng là người có sự tư vấn về nhân sự giúp ông Park Hang-seo có được phát hiện đáng giá mang tên Phan Văn Đức trước thềm vòng chung kết U23 châu Á 2018.

Với cá nhân ông Yusuke Adaichi, trong bối cảnh bóng đá Việt Nam phải tạm hoãn nhiều giải đấu vì ảnh hưởng dịch COVID-19, vị chuyên gia Nhật Bản với kinh nghiệm giảng dạy, đào tạo huấn luyện viên đã giúp lực lượng huấn luyện viên trẻ Việt Nam lên chuyên nghiệp đạt được những chứng chỉ quan trọng theo định hướng tiêu chí của AFC.

Đó là những thành tích xứng đáng được thừa nhận mà giám đốc kỹ thuật VFF thực hiện trong nhiệm kì của mình, tương tự như cách mà chuyên gia Rainer Willfeld đóng góp cho sự phát triển chung của bóng đá Việt Nam, dù cho những cống hiến và vai trò ấy không được xác thực thông qua các danh hiệu cụ thể.

Tân giám đốc kĩ thuật Koshida Takeshi chính thức làm việc từ ngày 1.6.2023. Ảnh: Đức Cường

Tân giám đốc kĩ thuật Koshida Takeshi cũng sẽ được giao trọng trách và kì vọng như thế. Với tư cách một chuyên gia bóng đá được đào tạo bài bản với bằng huấn luyện viên Pro, cùng bề dày kinh nghiệm 30 năm làm việc với các đội tuyển lớn, đội tuyển trẻ, ông Takeshi được VFF mong đợi sẽ tham dự với tư cách là giảng viên tại các khóa đào tạo huấn luyện viên và Hội thảo do Liên đoàn bóng đá việt Nam tổ chức.

Đồng thời, phối hợp với bộ phận chuyên môn và huấn luyện viên các đội tuyển trẻ của VFF để cùng định hướng và đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam, đồng thời chịu trách nhiệm đào tạo nguồn nhân lực cho bóng đá Việt Nam,...

“Tôi cảm thấy may mắn khi đảm nhiệm vị trí này. Việt Nam là quốc gia năng động, có nền bóng đá phát triển, đặc biệt là bóng đá trẻ. Trên cương vị giám đốc kĩ thuật, tôi hi vọng mình sẽ đóng góp một phần sức lực nhỏ bé, đào tạo thế hệ trẻ kế cận, góp phần giúp bóng đá Việt Nam tham dự World Cup 2026 hoặc 2030", tân giám đốc kĩ thuật Takeshi chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn