MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tình huống Quang Hải nổi cáu với cầu thủ Thái Lan chơi xấu Công Phượng. Ảnh: Đ.Đ

Việt Nam - Thái Lan, đâu là sự xấu xí của bóng đá?

ĐĂNG HUỲNH LDO | 07/06/2019 19:00

Sau trận đấu giữa Việt Nam và Thái Lan ở King’s Cup 2019, một cuộc tranh luận gay gắt trên mạng xã hội và truyền thông về những pha bóng xấu xí.

Năm 2015, dưới sự dẫn dắt của HLV Miura, ĐT Việt Nam  hành quân đến SVĐ Rajamangala đối đầu Thái Lan ở trận đấu lượt đi Vòng loại World Cup 2018. Đây là trận đấu mà ông thầy người Nhật Bản sử dụng bộ đôi tiền vệ trung tâm đầy sức mạnh và cơ bắp là Khánh Lâm và Minh Châu.

Cặp tiền vệ phòng ngự với lối chơi rắn, không ngại va chạm của ĐT Việt Nam được dùng làm vũ khí khi phải làm khách trước người Thái ở thời điểm đối thủ quá mạnh, thống trị khu vực với những chức vô địch SEA Games và AFF Cup liên tiếp. Chính điều này đã khiến ĐT Việt Nam lép vế hoàn toàn và triển khai một lối chơi rất tiêu cực.

Nhiều người chứng kiến trận đấu đó phải thừa nhận rằng, chúng ta chơi rát và có phần xấu xí mà đỉnh điểm là chiếc thẻ đỏ của Minh Châu. Đó là tình huống mà Minh Châu nhận thẻ vàng thứ 2 sau một loạt tình huống chơi quyết liệt quá mức cần thiết, đúng kiểu đấu sỹ.  

 Minh Châu nhận thẻ đỏ ở trận đấu với Thái Lan tại Vòng loại World Cup 2018. Ảnh: MT

Nhìn lại trận đấu này, nhiều CĐV Thái Lan đã lên các diễn đàn và có những bình luận liên quan đến lối chơi của Việt Nam. Còn về phía ĐT Việt Nam, các cầu thủ đã triển khai lối chơi đúng ý đồ HLV Miura đã đề ra. Và sự xấu xí, đó đơn giản là một phương án lựa chọn, do chiến thuật và đấu pháp của HLV.

Ở đây cần hiểu rằng, thời điểm đó bóng đá Việt Nam được dẫn dắt bởi một HLV trưởng có triết lý bóng đá thiên về thể lực, sức mạnh, không ngại va chạm. Chính vì thế, mà các cầu thủ khó tránh khỏi những pha tranh chấp quá mức cần thiết.

Bên cạnh đó, với thế "cửa dưới" và thua kém đối thủ nhiều thứ thì việc không ngại va chạm để ngăn chặn các tình huống nguy hiểm. ĐT Việt Nam thua kém và buộc phải lựa chọn do cái thế của kẻ yếu. Minh Châu chính là hệ quả của hàng loạt các tình huống đó.  

Đến trận đấu giữa Việt Nam và Thái Lan ở King’s Cup vừa qua, đến lượt người Thái chơi rát và có nhiều tình huống xấu xí, trong đó tiêu biểu là pha phạm lỗi nguy hiểm của cầu thủ Thái Lan với Công Phượng hay tình huống vào bóng ác ý hay cái tát dành cho Văn Hậu…

Thế nhưng, nhìn lại một cách công bằng thì chúng ta cũng có những tình huống tiểu xảo, khiêu khích với đối thủ như pha giẫm chân lên người đối phương của Duy Mạnh và tình huống đánh bóng chuyền của trung vệ Bùi Tiến Dũng hay các pha vào bóng hết chân của Trọng Hoàng, Văn Hậu...  

 Tình huống Công Phượng bị phạm lỗi nguy hiểm. Ảnh: MT

Công bằng mà nói, ở trận đấu này, cả hai đội đều chơi quyết liệt, giở nhiều "thế võ". Chỉ có điều, ĐT Việt Nam với lợi thế hơn nên có thể chơi rát, dùng tiểu xảo ở mức độ vừa đủ và tinh quái để khiến đối thủ ức chế.

Điều này khác cách mà HLV Miura từng dùng để phản kháng lại người Thái ở 2 trận Vòng loại World Cup 2018 và nhận những thất bại ê chề. Dưới thời HLV Park Hang-seo thì ĐT Việt Nam đã trưởng thành vượt bậc về trình độ, bản lĩnh cũng như có sự chủ động và lợi thế về tâm lý.  

Người Thái có xấu xí không? Nhìn vào các tình huống trên sân thì có, và thậm chí họ đã chơi xấu từ Vòng loại U23 Châu Á 2020 với chiếc thẻ đỏ của Supachai sau pha bóng ác ý với Đình Trọng. Thế nhưng, đó đều là những thời điểm người Thái yếu thế, cũng y hệt cách mà chúng ta từng bị đối thủ thường xuyên đánh bại.  

Trong bóng đá, chiêu trò hay tiểu xảo luôn là những thứ gia vị không thể thiếu. Chỉ có điều, nó được đón nhận từ người hâm mộ và ở từng thời điểm là khác nhau. Ở thời điểm hiện tại, Việt Nam đang là đội thắng cuộc, và chúng ta có những cách nhìn nhận của kẻ mạnh.

Đơn giản thế thôi và cũng không nên to tát, nghiêm trọng hóa vấn đề sau một trận đấu mà bản chất, ĐT Việt Nam cũng đâu có vừa và giành chiến thắng nhờ toan tính lẫn may mắn...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn