MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các câu lạc bộ như Hoàng Anh Gia Lai, Bình Dương... sẽ tốn thêm hàng tỉ đồng nếu V.League 2021 bị vắt sang năm 2022. Ảnh: VPF.

V.League kéo sang năm 2022 và hệ lụy với bóng đá Việt Nam

NGUYỄN ĐĂNG LDO | 17/07/2021 20:00

Việc V.League 2021 vắt sang năm 2022 ảnh hưởng rất lớn đến tài chính của các câu lạc bộ và không loại trừ nguy cơ sẽ có đội bóng phá sản, ảnh hưởng lớn đến bóng đá Việt Nam.

Phương án nhiều rủi ro của VPF

Theo kế hoạch được Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đưa ra, V.League 2021 sẽ lùi đến tháng 2.2022. Theo phương án này, 14 đội V.League sẽ nghỉ 9 tháng mới tiếp tục được ra sân.

Lần cuối cùng, các cầu thủ ra sân ở là ở vòng 12 của giai đoạn 1 V.League 2021 diễn ra hôm 2.5.2021. Cần biết rằng, 9 tháng là quãng thời gian đủ để tổ chức một mùa giải trọn vẹn.

Việc đưa V.League 2021 vắt sang năm 2022 sẽ tác động trực tiếp đến tài chính của các đội bóng. Một tháng, mỗi câu lạc bộ chi ra chừng 1-2 tỉ đồng tiền lương, ăn, ở, di chuyển… Với việc phải "ngủ đông" trong suốt thời gian dài, kinh phí cho mỗi đội bóng sẽ bị đội lên hàng chục tỉ đồng so với những năm trước đây.

Đây là nguy cơ lớn, có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn vong của các câu lạc bộ, bởi đa phần các đội bóng tại Việt Nam đều chưa thể tự nuôi mình. Họ sống bằng tiền của các ông bầu, các nhà tài trợ. Tiền bản quyền truyền hình chỉ như muốn bỏ bể, còn tiền vé vào sân hay bán vật phẩm quá ít trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn ra suốt 2 năm qua.

Năm ngoái, câu lạc bộ Tây Ninh đã xin rút lui khỏi Giải hạng Nhất 2021 vì không đủ tiền. Điều này buộc giải hạng Nhất phải thay đổi điều lệ và xa hơn lộ trình tăng số đội ở các giải hạng dưới của bóng đá Việt Nam cũng bị ảnh hưởng. Câu lạc bộ Cần Thơ cũng có 1 giai đoạn lao đao trước khi được cứu vào phút chót. Điều đó cho thấy, tài chính là vấn đề cấp bách nhất với các đội bóng tại V.League, hạng Nhất.

Đa phần các ngoại binh tại V.League đều ký hợp đồng 1 năm, nếu V.League 2021 bị kéo dài sang năm 2021, việc thương lượng hợp đồng sẽ rất khó khăn. Ảnh: VPF.

Cũng trong năm 2020, câu lạc bộ Quảng Nam và Thanh Hóa đã kiến nghị VPF hỗ trợ tài chính khi bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Chủ tịch đội Quảng Nam – Nguyễn Húp khi đó đã nói: "Họ không quan tâm đến các đội bóng, ít nhất về mặt tình cảm, chứ tiền hỗ trợ bao nhiêu cho đủ”. Trong năm thứ 2 bóng đá Việt Nam sống chung với COVID-19, VPF vẫn phần nào "bị động" trong việc đưa ra các quyết định hợp lý, cân nhắc đến lợi ích của câu lạc bộ.

Ông Nguyễn Minh Châu – nhà môi giới cầu thủ tại V.League cho biết đa phần các ngoại binh đều chỉ ký hợp đồng 1 mùa với các đội bóng, phần lớn họ sẽ đáo hạn hợp đồng cuối tháng 9.2021. Nếu V.League bị dời sang năm 2022, các ngoại binh sẽ chỉ được nhận lương, không được nhận một phần lót tay lẫn tiền thưởng vì không thi đấu trong năm nay.

Huấn luyện viên Phan Thanh Hùng của Đà Nẵng nhấn mạnh việc dời V.League sang năm 2022 có quá nhiều bất cập. Còn ông Trần Thái Toán – Giám đốc điều hành câu lạc bộ Nam Định đặt vấn đề: "Nếu như đến thời điểm hết tháng 1.2022 mà dịch bệnh vẫn có nguy cơ cao và giải đấu không diễn ra thì khi đó phương án xử lý như thế nào hay chỉ làm công văn huỷ giải là xong? Thiệt hại của các câu lạc bộ ai chịu trách nhiệm?".

Bài học từ các quốc gia khác

Năm 2020, giải vô địch quốc gia Nhật Bản (J.League 1) cũng bị ảnh hưởng nặng bởi dịch COVID-19. Rất nhanh chóng, ban tổ chức đã quyết định mùa giải 2020 sẽ không có đội xuống hạng. Họ sẽ dùng số tiền 400 triệu yên (gần 9 tỉ đồng), vốn để làm phần thưởng cuối mùa, giúp đỡ các đội khó khăn về tài chính. Họ cũng đứng ra làm việc với các ngân hàng MUFG, Nikkei thiết lập các khoản vay với lãi suất thấp, cho các câu lạc bộ có yêu cầu.

Câu lạc bộ Tây Ninh bỏ giải hạng Nhất 2021 vì không đủ kinh phí, điều đó khiến kế hoạch cấu trúc các giải hạng dưới của bóng đá Việt Nam bị ảnh hưởng. Ảnh: VPF.

Tại Indonesia, giải vô địch quốc gia nước này cũng nhiều lần trì hoãn trong năm 2020, cuối cùng bị huỷ bỏ. Giải đấu không có đội vô địch, xuống hạng lẫn lên hạng. Các suất dự cúp châu lục sẽ được căn cứ vào thành tích mùa 2019.

Tại Thái Lan, Thai League tạm ngưng 6 tháng trong năm 2020, sau đó Liên đoàn bóng đá Thái Lan (FAT) và TPL cũng như các đội bóng thống nhất việc thay đổi định dạng như các giải Châu Âu, vắt qua 2 năm dương lịch. Trong thời gian tạm nghỉ vì COVID-19, các cầu thủ, đội bóng đều được hỗ trợ một số tiền nhất định.

J.League 1 lúc này vẫn đang diễn ra, còn Thai League mùa bóng mới chuẩn bị khai cuộc. Cả Nhật Bản hay Thái Lan đều đang bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng họ đều có giải pháp ổn thỏa. Với V.League, phương án mùa giải 2021 không có đội xuống hạng, dừng mùa giải từ bây giờ, lên kế hoạch cho mùa bóng tới nên được tính đến thay vì cố kéo dài trong sự chờ đợi mệt mỏi của các đội bóng, cầu thủ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn