MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

V.League tạm hoãn, ngoại binh vui vẻ giảm lương

AN NGUYÊN LDO | 13/08/2021 12:03

Nhóm cầu thủ vốn được xem là “lính đánh thuê” tại V.League vẫn có những hành động âm thầm thể hiện trách nhiệm với V.League và cộng đồng.

Sẻ chia cùng đội bóng chủ quản

Đến thời điểm này, khi số phận của V.League được quyết định, hàng loạt đội bóng đã bắt đầu “xả trại” cho cầu thủ về nhà nghỉ ngơi. Một loạt các ngoại binh như Rodrigo Dias, Wesley, Oussou Konan (Nam Định), Geovane, Bruno, Moses (Hà Nội), Jaha (Viettel), Lee Nguyễn (TPHCM),… đã bắt đầu trở về quê hương.

Trong số này, có nhiều cầu thủ thậm chí còn chưa về nhà từ thời điểm dịch bệnh lần đầu bùng phát đầu năm 2020. Bởi vậy, khi giải đấu “đóng băng” trong 6 tháng, các đội bóng cũng rất thông cảm và cố gắng tạo điều kiện cho họ trở về nhà sớm nhất có thể.

Các ngoại binh của nhiều câu lạc bộ đã trở về quê nhà sau khi V.League phải tạm hoãn đến 6 tháng. Ảnh: Hoài Thu

Nhưng trước khi rời khỏi Việt Nam, câu chuyện hợp đồng giữa cầu thủ và đội bóng chủ quản là điều không thể bỏ qua. Trên thực tế, đã có rất nhiều cảnh báo về những rắc rối pháp lý liên quan đến mức phí “lót tay”, lương, thưởng và thời hạn hợp đồng giữa các bên liên quan.

V.League lần đầu tiên trong lịch sử phải kéo dài hơn 1 năm, nhưng hầu như hợp đồng của ngoại binh chỉ gói gọn trong năm 2021. Nguy cơ mất ngoại binh giỏi hiện hữu, nhất là với những đội bóng "con nhà nghèo" như Nam Định.

Dù vậy, ở thời điểm khó khăn này, đội chủ sân Thiên Trường lại tìm kiếm được sự sẻ chia từ chính dàn "lính đánh thuê". Theo tìm hiểu của Lao Động, các cầu thủ ngoại của Nam Định đã đồng ý giảm tới 50% lương để vơi bớt gánh nặng của đội bóng thành Nam.

Trong khi đó, ở các đội bóng giàu có hơn, việc giảm 30% lương cũng không làm ngoại binh cảm thấy phiền lòng. Họ nhận một phần tiền phí “lót tay” và trở về nhà, vui vẻ bên gia đình sau thời gian dài xa cách.

Không quên trách nhiệm cộng đồng

Khá bất ngờ khi một nhóm cầu thủ Brazil đã lặng lẽ đóng góp tài chính cho quỹ mua vaccine ngừa COVID-19 của Chính phủ. Đó là thời điểm mà rất nhiều người dân, doanh nghiệp, các cơ quan liên tục ủng hộ kinh phí để Chính phủ có thể tiếp cận nhanh nhất với nguồn vaccine. Các cầu thủ này ủng hộ ở mức thấp nhất là 2 triệu đồng, có người còn ủng hộ hàng chục triệu đồng.

“Chúng tôi sinh sống và làm việc, kiếm tiền tại Việt Nam. Bởi vậy, tôi nghĩ rằng việc ủng hộ một phần thu nhập để Chính phủ của các bạn mua vaccine là điều hoàn toàn bình thường. Tôi có kêu gọi các cầu thủ đồng hương đang chơi bóng tại Việt Nam ủng hộ cùng mình. Số tiền không quá nhiều, nhưng cũng là tấm lòng của chúng tôi. Việt Nam là đất nước đáng sống”, tiền đạo Rodrigo Dias cho biết.

Có lẽ, một cầu thủ luôn được chơi bóng với sự ủng hộ của gần 20.000 khán giả trên sân nhà Thiên Trường như Rodrigo sẽ cảm nhận được nhiều điều về Việt Nam. Anh chia sẻ rằng mình muốn chơi bóng lâu dài và tạo ra nhiều thành tích ở V.League.

Rodrigo Dias (áo vàng) và một số ngoại binh khác có những hành động thiết thực để chia sẻ cùng đội bóng chủ quản. Ảnh: VFF

Trong bức tranh muôn màu ở V.League, không phải đội bóng “nghèo” là sẽ “khổ” ở giai đoạn dịch bệnh này, nhưng cũng chưa chắc các đội bóng “nhà giàu” lại có thể thảnh thơi. Điều quan trọng nhất trong mùa dịch bệnh chính là sự sẻ chia từ phía lãnh đạo các đội bóng và bản thân các cầu thủ.

Làn sóng COVID-19 lần thứ 4 chính là thử thách cực đại cho bản thân mỗi đội bóng, các nhà điều hành giải và cả các cầu thủ. Bóng đá Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển, tất cả cần chuyên nghiệp hơn, văn hoá ứng xử của từng thành viên cũng phải tương xứng với bước đi của cả một giải đấu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn