MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Câu lạc bộ Sài Gòn được tài trợ hơn 100 tỉ đồng từ những đối tác ngay ở mùa bóng thứ 2 chuyển giao cho những ông chủ mới. Ảnh: Fanpage CLB Sài Gòn.

Vui, buồn chuyện kiếm tiền tại bóng đá Việt Nam

NGUYỄN ĐĂNG LDO | 11/02/2021 08:00
Bóng đá Việt Nam có sự khởi sắc rất rõ ở V.League khi một số đội đã sống được bằng tiền tài trợ. Tuy nhiên, câu chuyện trái ngược lại diễn ra ở giải hạng Nhất.

Kiếm tiền từ bóng đá: Điểm sáng câu lạc bộ Sài Gòn

V.League vốn là cỗ máy ngốn tiền khủng khiếp. Bản chất các đội bóng sống được chủ yếu từ tiền của các ông bầu, các doanh nghiệp lớn đứng sau bên cạnh một số đội vẫn phụ thuộc vào ngân sách địa phương.

Các câu lạc bộ của bóng đá Việt Nam vẫn chưa thể tự kiếm tiền nuôi mình thông qua việc bán vé, tài trợ hay bản quyền truyền hình.

Tuy nhiên mùa bóng này, một số đội đã nhận được các khoản tài trợ lớn, điển hình là câu lạc bộ Sài Gòn. Trong lễ xuất quân hôm 12.1, đội đã có được giao kèo với hơn 16 đơn vị tài trợ, giúp đội có được khoản tiền hơn 100 tỉ đồng.

Ông Trần Hòa Bình – Chủ tịch đội nhấn mạnh, nhà tài trợ cho đội đều là doanh nghiệp lớn tại Nhật Bản, Việt Nam với tài sản ước tính trên 2.000 tỉ đồng.

Huấn luyện viên Vũ Tiến Thành hồ hởi chia sẻ: “Sài Gòn đã thay đổi mạnh mẽ và đã bước đầu sống được nhờ bóng đá”.

Đội chủ sân Thống Nhất có chiến lược riêng, học tập và áp dụng mô hình của các đội J.League (Nhật Bản) cùng việc có hệ thống cơ sở vật chất, quy trình vận hành theo chuẩn quốc tế. Nhờ đó, đội đã thu hút nguồn ngoại lực mạnh mẽ để đầu tư vào đội, bên cạnh nội lực đáng gờm với Tập đoàn Him Lam và Bến Thành.

Hoàng Anh Gia Lai cũng hứa hẹn có sức bật về tài chính với sức hút từ Kiatisak. Ảnh: VPF

Hoàng Anh Gia Lai hứa hẹn cũng sẽ thu được một số tiền đáng kể nhờ sức hút của Kiatisak. Họ đã đạt thỏa thuận với một thương hiệu quốc tế, cùng cam kết lâu dài, hướng đến việc chinh phục đỉnh cao tại V.League.

Ngoài ra, sân Pleiku hứa hẹn sẽ bán được nhiều vé mùa này. Đội đã bán gần hết vé mùa, thu về hơn 500 triệu đồng.

Tân binh Topenland Bình Định mới lên hạng đã nhận ngay 300 tỉ đồng/3 năm từ nhà tài trợ cũng như cổ động chiến lược của họ. Số tiền này giúp họ tăng cường lực lượng mạnh mẽ, hướng đến mục tiêu lớn ở mùa giải năm nay.

Một đội bóng khác cũng thể hiện khả năng kiếm tiền "khủng" là TPHCM. Tại mùa bóng 2021, đội có ít nhất 12 đối tác tài trợ từ trang phục, cho đến việc di chuyển. Chỉ riêng hợp đồng tài trợ vận chuyển với Bamboo Airways đã có giá trị ước tính 5 tỉ đồng/năm.

Đặc biệt, TPHCM là đội duy nhất tại V.League có hệ thống quảng cáo trên sân bằng đèn LED. Họ đầu tư hệ thống hiện đại với chi phí ước tính 45 tỉ đồng từ đầu mùa giải 2018. Nhờ hiệu ứng tốt, hàng năm đội chủ sân Thống Nhất luôn có nhiều các doanh nghiệp lớn đồng hành.

Câu lạc bộ TPHCM có hàng loạt đối tác lớn đồng hành trong mùa bóng 2021. Ảnh: Fanpage CLB

Ngoài ra, theo ông Nguyễn Hữu Thắng - Chủ tịch đội TPHCM, câu lạc bộ cũng có hướng làm bóng đá khác biệt.

"TPHCM là đội bóng thuộc tốp đầu V.League về chuyện thu hút các nhà tài trợ. Chúng tôi làm bóng đá bài bản, minh bạch và chuyên nghiệp với lối chơi đẹp mắt, với mục tiêu mang đến niềm tự hào cho người dân TPHCM".

Buồn cho giải hạng Nhất

Khác với việc “xông xênh” ở V.League, giải hạng Nhất 2021 là câu chuyện buồn. Đội vừa lên hạng Gia Định đã xin rút, xuống đá lại hạng Nhì vì không đáp ứng được những yêu cầu về cơ sở vật chất, các tuyến trẻ, chưa kể áp lực về tài chính.

Tây Ninh – đội có 15 năm dự giải hạng Nhất đã rút khỏi giải do không đủ kinh phí. Họ đã có 10 tỉ đồng nhưng không tìm thêm được mạnh thường quân nào bỏ thêm 5 tỉ đồng, để có đủ kinh phí hoạt động. Lúc này, đội đã chia tay gần hết những cầu thủ trụ cột.

Cần Thơ – đội bóng có cơ sở vật chất tốt, từng được xem như “thiếu gia” ở V.League cũng suýt chút nữa bỏ giải hạng Nhất và chỉ được giải cứu vào phút chót.

Câu lạc bộ Tây Ninh xin rút khỏi giải hạng Nhất 2021 vì không đủ kinh phí. Ảnh: VPF.

Theo lộ trình mà VFF đặt ra, trong giai đoạn 2021 đến 2023, số lượng các đội dự giải hạng Nhất, hạng Nhì sẽ tăng lên 14 đội nhằm tăng tính cạnh tranh, hấp dẫn.

VFF tính toán rằng, với việc 2 sân chơi này không có cầu thủ ngoại, kinh phí ở mức vừa phải, việc tăng số lượng đội là bước đi đúng đắn, bắt đầu từ mùa 2021.

Điều này nhằm chấm dứt cấu trúc hình tháo ngược, đi ngược lại quy luật của bóng đá Việt Nam khi các giải hạng dưới có ít đội hơn V.League.

Tuy nhiên ngay trong năm đầu thực hiện, nó đã không thể diễn ra thành công. Tây Ninh cuối cùng đã bỏ giải, khiến giải hạng Nhất chỉ còn 13 đội.

Bài toán kinh phí vẫn sẽ là nỗi nhức nhối của các đội hạng Nhất trong thời gian tới.

Giải hạng Nhất 2021 dự kiến khởi tranh vào tháng 3 với 13 đội: An Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Phước, Cần Thơ, Công an Nhân dân, Đắk Lắk, Huế, Khánh Hòa, Long An, Phố Hiến, Phù Đổng, Phú Thọ, Quảng Nam với phương thức thi đấu cụ thể như sau:

Các đội thi đấu 2 Giai đoạn theo hình thức thi đấu vòng tròn 1 lượt ở mỗi giai đoạn để tính điểm, xếp hạng:

– Giai đoạn 1: Căn cứ kết quả điểm số, xếp hạng sau 13 vòng đấu để thực hiện phân nhóm A và B cho Giai đoạn 2.

– Giai đoạn 2:

+ Nhóm A: Bao gồm 7 đội, có vị trí xếp hạng từ 1 đến 7.

+ Nhóm B: Bao gồm 6 đội, có vị trí xếp hạng từ 8 đến 13.

Giải hạng Nhất 2021 có 1,5 suất thăng hạng và 1 đội bóng xuống hạng. Đội vô địch nhận 1 tỉ đồng, Á quân nhận 500 triệu đồng và hạng 3 nhận 250 triệu đồng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn