MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Bệnh hen suyễn và COVID-19: Kiểm soát tốt, tỷ lệ chuyển bệnh nặng thấp

NGUYỄN LY LDO | 15/01/2022 17:28
Bộ Y tế mới đây công bố 20 bệnh nền khiến người mắc COVID-19 gia tăng mức độ nặng và tử vong, trong đó có bệnh hen phế quản. Kiểm soát bệnh hen suyễn trong giai đoạn dịch bệnh này là cách giúp giảm nguy cơ tử vong khi mắc COVID-19.

Khoa thăm dò chức năng hô hấp, Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM, mỗi ngày có hàng trăm bệnh nhân đến đây khám các bệnh liên quan đến đường hô hấp, trong đó có bệnh hen suyễn.

Kiểm soát tốt bệnh hen suyễn và COVID-19 sẽ giảm tỷ lệ chuyển bệnh nặng. Ảnh: Nguyễn Ly 

Hen suyễn, hay hen phế quản, là một bệnh lý mạn tính đường hô hấp… thời điểm dịch bệnh COVID-19 phức tạp, nhiều người bệnh sợ lây nhiễm không đi thăm khám khiến phát hiện bệnh muộn hoặc gián đoạn việc điều trị. Theo các chuyên gia, đây là các đối tượng nguy cơ nếu không thăm khám, điều trị ổn định, nếu chẳng may mắc COVID-19 thì nguy hiểm cho người bệnh.

Tiến sĩ - Bác sĩ  Nguyễn Như Vinh, Trưởng Khoa Thăm dò chức năng hô hấp, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết: “Lượng người bệnh hen suyễn đi thăm khám đã giảm đáng kể vì tâm lý e ngại lây nhiễm COVID-19, điều này sẽ nguy hiểm cho bệnh nhân”.

Theo TS.BS Nguyễn Như Vinh, có nhiều trường hợp đáng tiếc xảy ra khi rơi vào những đợt cấp, bệnh nặng lên trong khi không có thuốc dự phòng ở nhà hoặc là không có những thuốc cắt cơn. Khi lên cơn hen, nhất là với người bệnh nặng, bắt buộc phải đi cấp cứu vì tình trạng khó thở.

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, các chuyên gia cảnh báo, bệnh nhân hen suyễn là đối tượng nguy cơ cao cần phải lưu ý. Người bệnh cần kiểm soát bệnh thật tốt. Bệnh nhân nên gặp bác sĩ thăm khám tầm soát sớm và bắt đầu dùng thuốc kiểm soát hen ngay sau khi hen.

TS.BS Nguyễn Như Vinh lưu ý: Có hai nhóm thuốc mà người bệnh cần phải chú ý. Thứ nhất là nhóm thuốc dự phòng, người bệnh cần chú ý theo hướng dẫn của bác sĩ, một ngày xịt 1 lần. Còn nhóm thuốc thứ hai là thuốc cắt cơn, bác sĩ chỉ hướng dẫn bệnh nhân sử dụng khi lên cơn khó thở.

Ngoài ra, người bệnh cần kiểm soát cân nặng, tập thể dục đúng cách, hạn chế tiếp xúc với các yếu tố kích thích cơn hen... như hút thuốc, sống trong môi trường khói bụi, có nhiều hóa chất, lạm dụng các loại thuốc ảnh hưởng đến hệ hô hấp…

Với người dân chưa được chẩn đoán thường xuyên, khi có các biểu hiện như: ho, khó thở, nặng ngực... thì cần kiểm tra và đánh giá có nguy cơ mắc hen suyễn để kịp thời điều trị, tránh biến chứng nặng khi không may mắc COVID-19.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn