MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Điều trị mụn cóc lòng bàn chân. Ảnh: BV

Các cách điều trị mụn cóc lòng bàn chân

BS Nguyễn Vũ Hoàng - Bệnh viện Da liễu TPHCM LDO | 19/08/2022 14:00

Một số mụn cóc lòng bàn chân có thể được điều trị bằng cách sử dụng các phương pháp điều trị tại chỗ mà không cần kê đơn. Tuy nhiên, phần lớn các trường hợp còn lại cần gặp bác sĩ để được tư vấn về các phương pháp điều trị thích hợp. 

Theo bác sĩ Nguyễn Vũ Hoàng - Trưởng khoa Lâm sàng 2 Bệnh viện Da liễu TPHCM, các trường hợp mụn cóc lòng bàn chân đặc biệt phải đến khám tại các cơ sở y tế gồm những tổn thương chảy máu, gây đau đớn, thay đổi về hình dạng hoặc cản trở các hoạt động hàng ngày.

Bên cạnh đó, cần đến gặp bác sĩ khi đã điều trị mụn cóc nhưng mụn cóc không hết và bắt đầu lan rộng dần; trường hợp bị tiểu đường hoặc giảm cảm giác ở lòng bàn chân.

Ngoài ra, trường hợp hệ thống miễn dịch bị suy giảm vì phải sử dụng các loại thuốc ức chế miễn dịch, bị AIDS hoặc các bệnh lý làm suy giảm miễn dịch của cơ thể cũng cần đến khám ngay tại các cơ sở y tế.

Các lựa chọn điều trị gồm:

Không điều trị

Có tới 65% mụn cóc bao gồm cả mụn cóc lòng bàn chân sẽ tự lành mà không cần điều trị trong vòng 2 năm. Mụn cóc lòng bàn chân không gây ra bất kỳ triệu chứng nào như đau nhức, chảy máu hay thay đổi hình dạng thì nên được theo dõi.

Sơn và gel chứa axit salicylic có sẵn với các nồng độ khác nhau

Axit salicylic hoạt động bằng cách loại bỏ các lớp da chết bên ngoài và kích hoạt hệ thống miễn dịch để loại bỏ virus.

Trước khi thoa thuốc, bàn chân phải được ngâm trong nước ấm và lớp da dày được lấy đi bằng đá bọt hoặc dụng cụ giũa móng tay. Cần chú ý không cạo vào lớp da bình thường xung quanh để tránh lây lan virus.

Điều trị nên được thực hiện hàng ngày trong ít nhất 12 tuần và thuận tiện nhất vào buổi tối trước khi đi ngủ. Cần thoa cẩn thận vào ngay mụn cóc và tránh thoa vào vùng da bình thường xung quanh. Nếu mụn cóc trở nên quá đau, nên ngừng điều trị trong vòng vài ngày và sau đó tiếp tục điều trị tiếp.

Liệu pháp áp lạnh

Đây là liệu pháp điều trị bằng cách đóng băng mụn cóc bằng nitơ lỏng. Mụn cóc dày cần được cạo mỏng lại trước khi áp lạnh để cho phép hơi lạnh xâm nhập vào trong da.

Tốt nhất, liệu pháp áp lạnh này nên được lặp lại sau mỗi 2-3 tuần. Phương pháp này gây đau đớn và có thể làm phồng rộp da và bỏng, vì vậy thường không được khuyến cáo ở trẻ em.

Để loại bỏ mụn cóc, cần vài đợt áp lạnh và không phải lúc nào liệu pháp này cũng hiệu quả. Sử dụng thuốc có chứa axit salicylic vào giữa các lần áp lạnh có thể cải thiện hiệu quả điều trị.

Băng keo

Mụn cóc nên được băng kín bằng băng keo trong sáu ngày và nếu băng rơi ra thì nên thay thế bằng một miếng mới. Sau đó, băng keo phải được gỡ bỏ và vùng da bị bệnh được ngâm trong nước ấm.

Tiếp đến, mụn cóc được cắt bớt để loại bỏ tế bào da chết. Mụn cóc để hở qua đêm và dán băng keo lại một lần nữa vào buổi sáng. Phương pháp này có thể được lặp lại lên đến 2 tháng.

Bên cạnh các cách điều trị trên, có thể sử dụng thuốc khác bao gồm thoa dithranol, podophyllotoxin, 5-fluorouracil, acid trichloroacetic tại chỗ hay tiêm bleomycin.  

Ngoài ra, liệu pháp miễn dịch tiếp xúc với một loại sơn hoá như diphenycyprone gây ra một phản ứng dị ứng da tại chỗ mà điều này làm tăng đáp ứng miễn dịch của cơ thể chống lại virus gây mụn cóc.

Phẫu thuật loại bỏ mụn cóc

Phẫu thuật loại bỏ mụn cóc nếu các phương pháp điều trị tại chỗ không hiệu quả. Các lựa chọn bao gồm liệu pháp laser CO2, cắt bỏ mụn cóc bằng dao hay bằng đốt điện sau khi đã gây tê tại chỗ. Các thủ thuật này gây đau và có thể dẫn đến sẹo xấu. Một số trường hợp, mụn cóc vẫn thể nối lại ở vị trí sẹo sau phẫu thuật.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn