MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Các chấn thương người chạy bộ có thể gặp

Tuấn Đạt (Theo Healthline) LDO | 14/09/2023 06:00

Đau đầu gối, căng cơ, nứt xương... là những chấn thương cơ bản khi người chạy bộ thường xuyên có thể gặp.

Chạy bộ là một hoạt động thể thao được khá nhiều người ưa chuộng và lựa chọn tập luyện. Tuy nhiên, nếu luyện tập không đúng cách rất dễ gặp phải các chấn thương cơ bản khi tham gia bộ môn thể thao này.

Tùy thuộc vào mức độ và cơ địa của mỗi người, các chấn thương này có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe và thể trạng của cơ thể.

Căng cơ

Căng cơ xảy ra khi việc tập luyện với cường độ cao và lâu khiến cơ bắp bị kéo căng quá mức. Tình trạng này sẽ thường xảy ra ở bắp chân, cơ háng, cơ tứ đầu đùi hoặc cơ khoeo chân. Nguyên nhân dẫn đến căng cơ bao gồm không khởi động kỹ trước khi tập luyện, chạy quá sức hoặc thay đổi tư thế tập đột ngột.

Mặc dù cơ bắp căng cơ thường không nghiêm trọng, nhưng nếu gặp phải sẽ cần phải có bài tập phù hợp, cách điệu trị đúng. Theo đó, hãy áp dụng phương pháp RICE, bao gồm nghỉ ngơi (Rest), chườm đá (Ice), bó chặt cơ (Compression) và nâng cao chân bị chấn thương (Elevation).

Đau đầu gối

Đau đầu gối khi chạy bộ, thường được gọi là “Runner’s knee” hoặc hội chứng đau xương bánh chè, là một trong những vấn đề phổ biến mà người hay chạy bộ gặp phải. Biểu hiện của nó là cảm giác đau âm ỉ xung quanh hoặc phía sau xương bánh chè, đặc biệt khi đi lên và xuống cầu thang, ngồi xổm hoặc gấp gối trong một khoảng thời gian dài.

Trường hợp có biểu hiện bị đau đầu gối, hãy giảm bài tập luyện với mức độ quãng đường chạy ngắn hơn cũng như chọn đôi giày chạy mềm mại… Nếu tình trạng không cải thiện, nên thăm khám bác sĩ sớm để được tư vấn để có được sự hướng dẫn điều trị tốt nhất.

Đau xương cẳng chân

Đau xương cẳng chân khi chạy bộ là một trong những biểu hiện cơ bản, nhất là tình trạng đau phía trước và dưới cẳng chân, dọc theo xương chày. Nguyên nhân gây ra chấn thương này thường liên quan đến việc người tập thực hiện chạy bộ với cường độ cao hoặc thực hiện bài mới quá sức.

Đau xương cẳng chân sẽ kéo dài hoặc có thể nghiêm trọng hơn nếu người tập vẫn cố gắng tiếp tục chạy bộ. Vì vậy, lời khuyên của các chuyên gia chăm sóc sức khỏe cho rằng, hãy để cơ thể được nghỉ ngơi và cải thiện chấn thương cũng như tìm bài tập phù hợp để tiếp tục tập luyện.

Nứt xương

Những bài tập chạy bộ cũng có khả năng dẫn đến các vết nứt xương nhỏ và khi đó, trạng thái đau trở nên rõ ràng hơn.

Chính vì thế, nếu cảm thấy cơ thể không ổn thì nên ngừng tập luyện và thăm khám bác sĩ sớm để có sự tư vấn phù hợp, Điều trị bao gồm dùng các biện pháp vật lý trị liệu, dùng nạng hay nghỉ ngơi sẽ khiến sức khỏe của cơ thể cải hiện rất nhiều.

Bong gân

Trong quá trình chạy bộ, không thể tránh khỏi việc vấp ngã và gặp tình trạng rách dây chằng xung quanh mắt cá chân, gọi là bong gân mắt cá chân.

Chấn thương này thường không quá nguy hiểm và người tập chỉ cần chườm đá vùng bị sưng, bó chặt mắt cá chân và nghỉ ngơi cho đến khi khỏi hẳn mới có thể trở lại tập luyện.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn