MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Cách chăm sóc trẻ mắc sốt xuất huyết tại nhà đúng cách

HƯƠNG SƠN LDO | 16/06/2022 17:24

Hiện nay, các tỉnh phía Nam đang bắt đầu vào mùa mưa, chính vì thế số lượng người dân mắc sốt xuất huyết không ngừng tăng cao. Chính vì vậy, khi trẻ mắc sốt xuất huyết, phụ huynh cần chú ý đến tình trạng sức khoẻ, nhận biết kịp thời để đến bệnh viện điều trị.

BS.CKII Nguyễn Trần Nam - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành cho biết, hiện nay trong cộng đồng muỗi sinh sôi rất nhiều và cũng có nhiều loại, không phải trường hợp nào bị muỗi đốt cũng bị sốt xuất huyết. Chỉ có muỗi vằn (thân và chân có những vằn đen trắng) và đã chích người đang bị nhiễm bệnh thì sẽ lây truyền bệnh sang người bị muỗi đốt.

  Trẻ dễ chuyển nặng vì sốt xuất huyết nếu không điều trị kịp thời. Ảnh: NL

Tuy nhiên rất khó biết con muỗi nào mang mầm bệnh. Do vậy bệnh sẽ xuất hiện theo vùng, theo khu phố có nhiều muỗi và có vài người có bệnh sốt xuất huyết.

Nếu nằm trong vùng có dịch bùng phát, khi gặp trường hợp trẻ bị sốt liên tục trên 2 ngày thì phụ huynh có thể nghi ngờ trẻ bị sốt xuất huyết và cho nhập viện.

Tại bệnh viện, bệnh nhi sẽ được thực hiện các xét nghiệm tìm kháng nguyên siêu vi sốt xuất huyết Ns1Ag (+) của các trường hợp nghi ngờ thì khẳng định là nhiễm bệnh. Xét nghiệm này có thể làm sớm trong vài ngày đầu của bệnh tại các cơ sở y tế để phát hiện bệnh nhằm theo dõi sát hơn người bệnh và lưu ý các thành viên trong gia đình cũng như khu phố về tình trạng nhiễm bệnh. 

Tuy nhiên, không phải trường hợp nhiễm sốt xuất huyết nào thì xét nghiệm Ns1Ag cũng dương tính, do vậy khi nghi ngờ bệnh cần khám và được theo dõi, tư vấn của nhân viên y tế. 

Nếu chăm sóc trẻ tại nhà là khi trẻ không có triệu chứng nguy hiểm cần nhập viện. Vì là bệnh do siêu vi gây ra, nên chủ yếu là điều trị triệu chứng là chủ yếu:

Sốt: uống thuốc hạ sốt với paracetamol liều 10 - 15mg/kg cho mỗi lần sốt, cách nhau mỗi 4 - 6 giờ khi sốt lại. Sốt thường khá cao trong 3 ngày đầu. Vì vậy khi uống thuốc hạ sốt chỉ cần giảm nhiệt độ so với trước khi uống hạ sốt là đủ.

Không nên sốt ruột uống thuốc liên tục vì nguy cơ tổn thương gan. Hạn chế uống hạ sốt nhóm ibuprofen vì tăng nguy cơ xuất huyết trong giai đoạn nặng sau này.

Bổ sung nước thường xuyên. Với những trẻ bị sốt cao, sẽ cần bổ sung nhiều nước. Bên cạnh đó, những trẻ được uống nước đủ thì nguy cơ diễn tiến nặng phải nhập viện ít hơn. Có thể cho trẻ uống từng li nhỏ, uống nhiều lần trong ngày, tránh uống 1 lúc quá nhiều nước. Nước đun sôi để nguội, nước bù điện giải, nước trái cây, nước canh đều được, không sử dụng những nước có gas hoặc nước có màu đen hoặc đỏ. Hiệu quả của bù nước đủ sẽ biểu hiện bằng bé đi tiểu thường hơn, mỗi 3 – 6 tiếng đi tiểu 1 lần và nước tiểu trắng trong là đủ.

Thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu. Khi trẻ sốt sẽ biếng ăn, do vậy cho trẻ em thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu, ăn nhiều lần trong ngày, mỗi bữa ít một sẽ giúp trẻ dễ tiêu hơn và vẫn bù năng lượng cho trẻ. Khi trẻ nôn ói thì đừng vội cho trẻ ăn lại ngay, nghỉ ngơi 1 – 2 tiếng khi trẻ bớt cơn ói hãy cho ăn ít lại dần.

Tránh sử dụng những thức ăn có màu đen, màu đỏ vì khi trẻ nôn ói ra khó phân biệt có xuất huyết hay không. Tắm rửa, vệ sinh cho trẻ bình thường, không kiêng. Đưa trẻ đi khám theo đúng hẹn của bác sĩ. 

BS.CKII Nguyễn Trần Nam cũng khuyến cáo, hiện nay chưa có vaccine phòng ngừa bệnh. Do đó phương pháp duy nhất để phòng ngừa bệnh là không để muỗi đốt để lây truyền bệnh. Do đó không tạo môi trường cho muỗi sinh sản, không để muỗi đốt.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn