MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Căn bệnh nhiều người dân thành thị dễ mắc phải

NGUYỄN LY LDO | 03/03/2022 19:30

TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú – Trường Đại học Y dược TPHCM cho biết, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến các triệu chứng chảy nước mũi, ngứa mũi và hắt hơi liên tục. Tuy nhiên, đa số người bị các triệu chứng này thường xuyên là do bị viêm mũi dị ứng.

Sống ở TPHCM được hơn 9 năm, chị Nguyễn Thị Phượng (quận Phú Nhuận, TPHCM) có một thời gian dài hắt xì liên tục, rát mũi, ngứa và chảy nước mũi. Đặc biệt là vào sáng sớm và chiều tối, triệu chứng diễn ra nhiều hơn, có thời điểm chị bị chảy máu mũi.

Khi chi Phượng đi bệnh viện khám, được các bác sĩ chẩn đoán viêm mũi dị ứng mãn tính và xoang, nên hành trình điều trị kéo dài tới bây giờ chưa dứt. 

“Tôi đã đi bệnh viện khám khi thấy mũi chảy máu, thời tiết giờ chỉ cần thay đổi là chiếc mũi và cơn đau đầu ùa về. Viêm mũi dị ứng và viêm xoang khiến tôi nhiều lúc không thể tập trung làm việc được”, chị Phượng chia sẻ. 

TPHCM có mật độ xe đông, tình trạng ô nhiễm không khí cao hơn so với các tỉnh thành khác, nên không chỉ có chị Phượng mà rất nhiều người dân gặp tình trạng này.  

Thành phần khói từ xe gắn máy, nhà máy… chứa nhiều chất độc hại, những loại khí này gây nên tình trạng viêm mãn tính của đường hô hấp. 

TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú cho biết, thực tế khi làm khảo sát cho thấy, những bệnh nhân ở thành phố khi tiếp xúc ô nhiễm nhiều hơn nên triệu chứng viêm mũi dị ứng của bệnh nhân cũng nặng hơn.  Không chỉ viêm mũi dị ứng mà một số bệnh khác như hen suyễn, hoặc bệnh nhân cũng có tình trạng viêm mũi sa mãn tính vì tình trạng ô nhiễm không khí khó kiểm soát hơn.

Trong nghiên cứu gần đây, các chuyên gia đã so sánh và phân lọc từ những trẻ khoẻ mạnh ở thành thị, có hàm lượng ô nhiễm cao cho thấy trong đàm những trẻ em bình thường thành thị có tồn tại hạt carbon từ không khí trẻ tiếp xúc bên ngoài. Từ đó những trẻ này có nguy cơ bị viêm mũi dị ứng, các bệnh liên quan đến đường hô hấp trong tương lai. 

Ô nhiễm không khí là nguyên nhân chính gây nên tình trạng mãn tính đường hô hấp ở trẻ em. Đồng thời, đối với những người có thể trạng dị ứng thì bệnh có thể tiến triển nặng thêm. 

Hiệu quả của các loại khẩu trang hiện nay có nhiều khác biệt. Đối với loại bụi mịn, một khảo sát ở Thái Lan cho thấy, với những loại khẩu trang N95 với khẩu trang y tế và khẩu trang vải thì khả năng lọc bụi của khẩu trang N95 lên tới 96%, có thể lọc được các loại hạt bụi có kích thước rất nhỏ, mịn. Khẩu trang y tế thông dụng lọc bụi lớn hơn PM0.3, còn khẩu trang vải lọc bụi hạn chế hơn. Tuy nhiên, nếu dùng cùng lúc 2 khẩu trang y tế thì khả năng ngăn bụi mịn siêu nhỏ tương đương như N95. 

TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú nói thêm, trong giai đoạn dịch COVID-19, những bệnh nhân mắc bệnh viêm mũi dị ứng, hen suyễn họ có thể tự kiểm soát triệu chứng tốt hơn. Có thể một phần trong giai đoạn giãn cách xã hội, ở nhà nhiều và ít tiếp xúc với môi trường khói bụi nên bệnh nhân bị viêm mũi dị ứng, hen suyễn triệu chứng nhẹ hơn rất nhiều. 

Hiện nay, phòng ngừa và giảm triệu chứng bệnh viêm mũi dị ứng rất quan trọng, ngoài đeo khẩu trang thì cần cân nhắc rửa mũi, sử dụng dung dịch vệ sinh mũi cho hợp lý. Trước và sau khi ngủ dậy, sau khi ra khỏi nhà. 

Tuỳ vào từng triệu chứng nặng hay nhẹ mà áp dụng hợp lý, nhẹ thì có thể xịt mũi và rửa mũi, bệnh nhân nặng thì cần gặp bác sĩ để được điều trị. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn