MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bệnh nhi được chẩn đoán sốc sốt xuất huyết dengue nặng ngày thứ 5. Ảnh: BV

Cảnh báo tình trạng trẻ sốc sốt xuất huyết suy hô hấp nặng

Thanh Chân LDO | 04/05/2022 11:03

TPHCM - 2 trường hợp trẻ được ghi nhận sốc sốt xuất huyết dengue kèm suy hô hấp, rối loạn đông máu, tổn thương gan nặng. Phụ huynh cần theo dõi phát hiện các dấu hiệu sớm để đưa trẻ đến cơ sở y tế kịp thời.

Vừa qua, Khoa cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TPHCM) tiếp nhận 2 trường hợp trẻ sốc sốt xuất huyết dengue kèm suy hô hấp, rối loạn đông máu, tổn thương gan nặng.

Trường hợp trẻ thứ nhất là L.A.S (12 tuổi, nam, TPHCM) bệnh 4 ngày. Trẻ sốt cao liên tục, ói tiêu chảy 4-5 lần. Người nhà nghĩ trẻ bị rối loạn tiêu hóa nên mua thuốc cho trẻ uống nhưng không đỡ. 

Trẻ mệt tay chân lạnh nên gia đình đưa vào bệnh viện địa phương trong tình trạng sốc mạch nhẹ chi mát, huyết kẹp tụt 80/60mmHg, xét nghiệm test nhanh SARS-CoV-2 âm tính, test nhanh kháng nguyên NS1 dương tính. Các bác sĩ chẩn đoán sốc sốt xuất huyết dengue nặng ngày thứ 4, suy hô hấp, rối loạn đông máu, được truyền dịch chống sốc. Diễn tiến không thuận lợi nên chuyển Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.

Bệnh nhi được chẩn đoán sốc sốt xuất huyết dengue nặng ngày thứ 4, suy hô hấp, rối loạn đông máu, được điều trị tích cực. Ảnh: BV

Trường hợp trẻ thứ hai là P.P.Q (12 tuổi, nam, Đồng Tháp) bệnh 5 ngày. Trẻ sốt cao liên tục, đau bụng, ói. Người nhà đưa trẻ đến phòng khám tư nhưng không đỡ.

Trẻ đau bụng nhiều, ói ra dịch lợn cợn nâu, mệt, tay chân lạnh nên đưa vào bệnh viện địa phương trong tình trạng sốc mạch nhẹ chi mát, huyết kẹp tục 70/50mmHg, xét nghiệm test nhanh SARS-CoV-2 âm tính, test nhanh kháng nguyên NS1 dương tính.

Bệnh nhi được chẩn đoán sốc sốt xuất huyết dengue nặng ngày thứ 5, suy hô hấp tổn thương gan, rối loạn đông máu, được truyền dịch chống sốc theo phác đồ. Trẻ có biểu hiện khó thở, bụng phình căng, xét nghiệm men gan tăng cao nên chuyển Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố.

Tại đây, ghi nhận 2 trẻ đều biểu hiện sốc, mạch nhanh nhẹ, huyết áp kẹp 90/70mmHg, khó thở, tiêu phân đen, bụng phình căng. Siêu âm bụng ngực cho thấy tràn dịch màng bụng, tràn dịch màng phổi lượng vừa. Xét nghiệm máu cho thấy, 2 trẻ đều có tồn thương gan nặng, rối loạn đông máu nặng.  

2 bệnh nhi được điều trị tiếp tục truyền dịch cao phân tử chống sốc với sự hỗ trợ của các phương tiện đo huyết áp động mạch xâm lấn, đo áp lực tĩnh mạch trung ương, hỗ trợ hô hấp với thở áp lực dương liên tục, điều chỉnh rối loạn đông máu. Kết quả qua hơn 1 tuần điều trị, tình trạng các trẻ cải thiện dần, tỉnh táo, thở khí trời.

Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tiến - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng thành phố, những cơn mưa đầu mùa báo hiệu mùa dịch sốt xuất huyết.

"Cả nhân viên y tế và phụ huynh không được chủ quan phát hiện trễ, đưa trẻ đến nhập viện muộn, mà phải luôn nghĩ đến trẻ có thể mắc sốt xuất huyết khi sốt chứ không phải chỉ lo trẻ mắc COVID-19 hay bệnh khác" - bác sĩ Tiến khuyến cáo.

Phụ huynh cần theo dõi phát hiện các dấu hiệu sớm để đưa trẻ đến cơ sở y tế kịp thời. Nếu thấy trẻ sốt cao trên 2 ngày, có một trong các dấu hiệu sau cần phải đưa trẻ ngay vào bệnh viện, ngay cả trong đêm, gồm: quấy khóc, bứt rứt, lăn trở khó chịu hoặc li bì; đau bụng; chảy máu cam, máu răng hoặc ói ra máu, tiêu phân đen; tay chân lạnh, nằm một chỗ không chơi, bỏ bú, bỏ ăn uống. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn