MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Cảnh giác bệnh dại và cách xử lý khi bị động vật nghi dại cắn

THUỲ TRANG LDO | 19/08/2022 12:00

Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, số ca bị động vật nghi dại cắn trong 6 tháng đầu năm 2022 rất lớn, trung bình 545 người/tháng.

Bệnh dại là mối đe dọa phổ biến trên toàn cầu. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trung bình mỗi năm có khoảng 59.000 người tử vong vì bệnh dại tại trên 100 quốc gia. Nếu không được điều trị dự phòng, con số tử vong vì bệnh dại có thể lên tới 330.000 người mỗi năm. Ở Châu Á, mỗi năm có khoảng 26 triệu người cần được dự phòng sau phơi nhiễm.

Bệnh dại là gì?

Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus dại (Rhabdovirus) gây ra, dẫn đến nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương, lây truyền từ động vật (chó, mèo …) bị bệnh dại sang người qua vết cắn, trầy xước.

Bệnh dại có chữa được không?

Khi phát bệnh, lên cơn dại thì tỉ lệ tử vong là 100%. Hiện nay chưa có thuốc gì có thể cứu sống bệnh nhân khi đã lên cơn dại.

 Bệnh dại lây qua người sau khi bị chó, mèo mang virus dại cắn. Ảnh minh hoạ: BVCC

Bệnh dại lây qua đường nào?

Bệnh dại được lây truyền qua nước bọt của động vật (chó, mèo…) mắc bệnh bài tiết ra ngoài và theo vết cắn, vết liếm, vết xước trên da bị rách vào cơ thể. Tại thời điểm chó cắn, nhìn bề ngoài chó chưa lên cơn dại, nhưng nước bọt đã có virus dại.

99% số ca bệnh dại ở người do chó cắn. Lưu ý ở trẻ em bị chó cắn che giấu ba mẹ vì sợ la mắng.

Triệu chứng bệnh dại

Thời kỳ ủ bệnh thông thường 1-3 tháng, đôi khi có thể từ 10 ngày đến trên 1 năm. Nếu số vết cắn nhiều, ở vị trí đầu, mặt, cổ, bàn tay thì thời kỳ ủ bệnh sẽ ngắn.

Trước khi phát bệnh, thường 1-4 ngày, bệnh nhân có các triệu chứng như cảm giác sợ hãi, đau đầu, sốt, mệt mỏi, khó chịu, cảm giác tê và đau tại vết cắn.

Khi phát bệnh, bệnh tiến triển theo hai thể: Thể cuồng hoặc thể liệt.

Đa số bệnh nhân dại ở thể cuồng với các triệu chứng như sau: Sợ nước, khát không dám uống, không dám tắm hay tiếp xúc với nước; sợ gió, luồng gió nhẹ cũng gây kích thích; sợ ánh sáng; rối loạn thần kinh thực vật như giãn đồng tử, tăng tiết nước bọt, vã mồ hôi, hạ huyết áp, đôi khi có biểu hiện xuất tinh tự nhiên; người bệnh căng thẳng, hoảng hốt, có thể có hành vi hung hăng.

Sau khi phát bệnh, bệnh nhân tử vong sau 3 đến 5 ngày.

Thể liệt: Ít gặp hơn thể trên. Thường gặp ở người bị chó dại cắn đã tiêm vaccine nhưng muộn.

Cần làm gì khi bị động vật (chó, mèo…) cắn?

Khi bị chó, mèo cắn cần phải xử lý vết thương ngay tại chỗ và đến cơ sở y tế để được tư vấn tiêm phòng vaccine dại, càng sớm càng tốt.

Cách xử trí vết thương tại nhà: Rửa ngay thật kỹ vết cắn trong 10-15 phút bằng nước xà phòng hoặc nước sạch (nếu không có xà phòng), sau đó rửa bằng nước muối, bôi chất sát trùng như cồn, cồn iốt để làm giảm lượng virus tại vết cắn.

Sau đó đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn điều trị kịp thời. Tiêm vaccine phòng bệnh dại sau phơi nhiễm là bắt buộc nếu nạn nhân bị động vật bị dại hoặc nghi ngờ bị dại cắn, hoặc không theo dõi chó được.

Tiêm vaccine dại có gây giảm trí nhớ, tổn thương thần kinh không?

Không tiêm vaccine phòng dại vì sợ ảnh hưởng đến tâm thần và thể chất, quan niệm sai lầm này đã dẫn đến nhiều ca tử vong vì bệnh dại. Hiện nay, vaccine dại thế hệ mới phải trải qua một loạt các kiểm định về chất lượng như hiệu lực, độc tính, độ an toàn và vô trùng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn