MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các bước xử trí đuối nước ở trẻ. Đồ hoạ: Nguyễn Tâm

Chuyên gia chỉ cách xử trí trong sơ cứu đuối nước ở trẻ em

HẠ MÂY LDO | 18/08/2023 06:00

Đuối nước là một trong những tai nạn sinh hoạt nguy hiểm thường gặp, đặc biệt vào dịp hè. Đây là thời gian trẻ được nghỉ học và có thể tham gia các hoạt động dưới nước.

Mức độ đuối nước ở trẻ tùy thuộc vào thời gian ngạt và xử trí cấp cứu ban đầu. Nếu nặng có thể dẫn đến tử vong, trường hợp cứu chữa được vẫn có thể để lại di chứng não do thiếu ôxy, nhẹ hơn sẽ bị viêm phổi.

Việc sơ cứu kịp thời đòi hỏi người thực hiện có kiến thức về việc xử trí ngưng tim, ngưng thở cơ bản tại hiện trường. Theo đó, người sơ cứu phải có thao tác chính xác, tránh mất “thời gian vàng” để cấp cứu nạn nhân.

Bác sĩ Lê Hải Lợi - Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 2 đã chỉ ra các bước quan trọng cần làm khi sơ cứu đuối nước cho trẻ tại hiện trường.

Bước 1: Nhanh chóng đưa trẻ ra khỏi nước, đặt nằm trên mặt phẳng, kêu gọi giúp đỡ.

Bước 2: Kiểm tra xem trẻ còn thở không.

Áp má xuống mặt trẻ để cảm nhận khí thở qua mũi, nhìn di động của lồng ngực. Nếu không có, trẻ được xác định ngưng thở.

Kiểm tra mạch đập của trẻ tại những động mạch lớn: mạch cảnh (ở cổ) hoặc mạch cánh tay (ở bên trong cánh tay) hay mạch khuỷu (ngay khuỷu tay). Nếu không phát hiện có nhịp mạch hoặc nhịp mạch dưới 60 lần/phút, trẻ được xác định ngưng tim.

Bước 3: Sau khi xác định trẻ ngưng tim ngưng thở, tiến hành cấp cứu ngay gồm xoa bóp tim ngoài lồng ngực và hà hơi thổi ngạt với phương thức tùy thuộc vào việc có 1 hay 2 người sơ cứu.

Lưu ý trong trường hợp người sơ cứu không có kinh nghiệm về cấp cứu ngưng tim ngưng thở, cần nhanh chóng liên hệ trung tâm y tế để được hỗ trợ kịp thời.Tuyệt đối không xốc nước, vác lên cao để trẻ nôn nước ra ngoài. Không móc họng hay hơ lửa trẻ. Không đấm mạnh vào bụng để tống nước ra.

Bác sĩ khuyến cáo phụ huynh hãy chủ động phòng chống đuối nước cho trẻ, không chủ quan ngay cả khi trẻ biết bơi. Song song đó, con trẻ khi tham gia các hoạt động dưới nước cần trong tầm kiểm soát của người lớn hoặc những người có kinh nghiệm bơi lội.

Đồng thời, tuyệt đối không để trẻ tự ý đi đến các khu vực ao, hồ, sông, suối một mình, cũng như không để các xô, chậu chứa nước khi gia đình có trẻ nhỏ. Tại các hồ non bộ, hồ nuôi cá cảnh nên có rào chắn bảo vệ, tránh các sự cố thương tâm tái diễn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn