MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Chuyên gia mách cách cải thiện trí nhớ sau khi khỏi COVID-19

NGUYỄN LY LDO | 12/04/2022 13:22
Các nghiên cứu gần đây phát hiện, một số người từng mắc COVID-19 gặp phải hội chứng sương mù não, bao gồm các triệu chứng kém tập trung, dễ bị phân tâm, tốc độ xử lý thông tin kém và trí nhớ giảm.

TS.BS Nguyễn Như Vinh – Trưởng khoa Thăm dò chức năng Hô hấp, Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM cho biết: “Trong quá trình thăm khám, điều trị cho bệnh nhân, chúng tôi gặp hội chứng sương mù não, bệnh lý này, nhiều độ tuổi từ già đến trẻ đều có thể gặp phải, khi tinh thần không thoải mái sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ chức năng khác của cơ thể”.

Bệnh nhân đi khám hậu COVID-19. Ảnh: Nguyễn Ly 

Nguyên nhân của "sương mù não" có thể liên quan đến việc các tổ chức, tế bào thần kinh bị virus xâm nhập và tình trạng viêm lan tỏa (bao gồm cả hệ thống thần kinh) do hậu quả của COVID-19.

"Sương mù não" cũng được cho là do bệnh nhân bị lo lắng, căng thẳng dẫn đến ăn ngủ kém, suy nghĩ nhiều, ảnh hưởng đến tâm trạng, hành vi. Ngoài ra, khi nhiễm bệnh, các mạch máu, nhất là các mạch máu nhỏ, bị tổn thương hậu COVID-19, khiến khả năng lưu thông máu lên não kém đi, từ đó dẫn đến tình trạng rối loạn thần kinh thực vật, thiểu năng tuần hoàn não, làm nặng nề hơn tình trạng "sương mù não".

Những nghiên cứu trên thế giới cũng cho thấy rằng, các trường hợp sương mù não này có thể tự động biến mất, thời gian tùy thuộc vào thể trạng sức khỏe của mỗi người.

Để cải thiện tình trạng này, TS.BS Nguyễn Như Vinh gợi ý một số cách như sau:

Chia nhỏ công việc để thực hiện, tập trung vào từng việc đang làm, dùng sổ tay ghi chép những hoạt động cần làm, lịch hẹn quan trọng...

Duy trì thời gian ngủ nghỉ hợp lý, hạn chế ngủ nhiều vào ban ngày hoặc nằm tĩnh tại, khiến cơ thể trì trệ. Khuyến khích người bệnh vận động nhẹ gồm đi bộ chậm, tập thể dục nhẹ, đạp xe đạp rất chậm, tập dưỡng sinh. Hạn chế nhìn vào màn hình điện thoại, thiết bị điện tử liên tục trong ngày.

Tham gia các trò chơi rèn luyện trí não.

Điều chỉnh môi trường sống: Dán nhãn đồ vật để ghi nhớ vị trí, thống nhất vị trí đồ vật, ghi nhắc tại vị trí quan trọng (nhớ khóa gas sau khi nấu, lấy chìa khóa trước khi ra khỏi nhà,...).

Nếu các triệu chứng hậu COVID-19 kéo dài, gây cản trở đến sinh hoạt và tinh thần, người bệnh cần đến cơ sở y tế có điều trị hội chứng này để được thăm khám và điều trị sớm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn