MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cong vẹo cột sống ảnh hưởng đến sức khoẻ trẻ. Ảnh: TT

Cong vẹo cột sống ảnh hưởng đến sức khoẻ trẻ

THUỲ TRANG LDO | 01/08/2022 15:34

Các bác sĩ Bệnh viện 199 Đà Nẵng khuyến cáo, cong vẹo cột sống khiến trẻ tổn thương cơ quan nội tạng, ảnh hưởng sinh hoạt hằng ngày, ảnh hưởng đến tâm lý… nếu không được can thiệp sớm.

Vẹo cột sống hay vẹo cột sống thắt lưng là tình trạng các đốt sống bị cong sang một bên hoặc xoay phức tạp. Đó cũng là bệnh lý về cột sống phổ biến nhất ở trẻ nhỏ và vị thành niên, độ tuổi thường gặp từ 10-15.

Trong đó, tỉ lệ mắc bệnh và mức độ vẹo cột sống ở các bé gái cao hơn bé trai. Cứ khoảng 25 trẻ em gái trong độ tuổi vị thành niên thì sẽ có 1 trẻ bị vẹo cột sống, đối với bé trai trong độ tuổi vị thành niên có tỷ lệ là 1/2000.

Những đối tượng dễ bị vẹo cột sống gồm: người có sinh hoạt đi, đứng, ngồi, nằm thường xuyên sai tư thế, ăn uống thiếu dinh dưỡng, tiền sử gia đình có người bị vẹo cột sống.

Vẹo cột sống gây ra những tác hại khó lường và ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của trẻ như:

Tổn thương cơ quan nội tạng

Trong trường hợp cong vẹo cột sống nghiêm trọng, khung xương sườn có thể đè lên phổi và tim. Lúc này, nếu lồng ngực ép vào phổi, trẻ có thể thấy khó thở hơn bình thường. Trong khi đó, nếu lồng ngực ép vào tim sẽ cản trở việc bơm máu. Do đó, suy tim và các vấn đề về phổi (ví dụ như viêm phổi) là những biến chứng nghiêm trọng phổ biến của chứng vẹo cột sống.

Ảnh hưởng sinh hoạt hằng ngày

Vẹo cột sống có thể gây ra những hạn chế và khó khăn trong sinh hoạt đời sống. Tuy nhiên, ngay cả những trường hợp vẹo cột sống nhẹ cũng có thể làm giảm khả năng hoạt động của cơ thể như đi bộ, tập thể dục. Đa số trường hợp vẹo cột sống có thể dẫn đến mất cân bằng do vai không đồng đều, xương sườn nổi rõ, thắt lưng và thân mình bị lệch sang một bên.

Nguy cơ té ngã và gãy xương

Vẹo cột sống có thể gây mất cân bằng, đặc biệt là khi nhắm mắt. Vẹo cột sống cũng đã được chứng minh là có liên quan đến mật độ xương thấp (loãng xương). Hai tình trạng này kết hợp làm cho những trẻ mắc chứng vẹo cột sống có nguy cơ cao bị té ngã và gãy xương khi trưởng thành và có tuổi.

Ảnh hưởng đến tâm lý

Người bị cong vẹo cột sống thường có cảm giác tự ti, xấu hổ, không mạnh dạn tham gia vào các hoạt động như vui chơi, học hành; khó hòa nhập cộng đồng, tham gia thể dục thể thao, tìm kiếm việc làm và xây dựng gia đình.

Gia đình cần đưa trẻ đi khám ngay khi thấy cột sống bị cong bất thường, đặc biệt đi kèm các dấu hiệu đầu lệch sang một bên, hai vai/hai bên hông không đều nhau… Việc đưa trẻ đi khám sớm để chẩn đoán đúng bệnh và điều trị kịp thời sẽ mang đến cho trẻ cơ hội hồi phục nhanh và rút ngắn thời gian điều trị, ít tốn kém chi phí.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn