MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Virus gây bệnh tay chân miệng lây qua đường tiếp xúc. Ảnh: Bộ Y tế

Hướng dẫn chăm sóc trẻ bị tay chân miệng tại nhà

Bác sĩ Nhi khoa Nguyễn Mạnh Cường LDO | 03/06/2022 15:00

Theo bác sĩ Nguyễn Mạnh Cường (Khoa Nhi, Bệnh viện Quân Y 103), cha mẹ cần theo dõi tình trạng của trẻ bị tay chân miệng, phát hiện sớm các dấu hiệu cảnh báo, dấu hiệu nặng để xử trí kịp thời.

Theo dõi các chuyển biến nặng của bệnh

Bệnh tay chân miệng ở trẻ em có khả năng lây lan mạnh nhất trong 1 tuần đầu tiên từ lúc phát bệnh. Và virus gây bệnh có thể tồn tại trong phân đến vài tháng sau. 

Khi trẻ bị tay chân miệng có những triệu chứng bất thường, cha mẹ cần nhanh chóng đưa bé đến cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời.

Phụ huynh cần theo dõi để phát hiện dấu hiệu nặng lên, cụ thể như sau:

- Sốt cao >= 39 độ C hoặc sốt hơn 2 ngày;

- Nôn nhiều (nôn hơn 3 lần trong 1 giờ hay hơn 4 lần trong 6 giờ);

- Khó thở: thở nhanh, rút lõm bụng, tím quanh môi, kích thích hoặc lờ đờ;

- Giật mình: con giật mình nhiều khi ngủ;

- Quấy khóc nhiều, bứt rứt khó ngủ hoặc mệt, li bì;

- Vã mồ hôi, tay chân lạnh hay da nổi vân tím;

- Tiểu ít: xem tã của bé nặng không, tiểu như bình thường không?

- Run chân tay hay yếu liệt chi;

- Co giật: nếu có tiền sử giật cần uống hạ sốt khi 38 độ C và chườm ấm.

Cách chăm sóc trẻ bị tay chân miệng tại nhà

Nếu trẻ không có các biểu hiện trên, cha mẹ có thể chăm sóc trẻ tại nhà.

- Hạ sốt nên có 2 loại dùng xen kẽ khi con khó hạ, nếu con có tiền sử co giật do sốt cao nên có cả phòng giật cho bé như thuốc Depakin;

- Vệ sinh tay trước và sau mỗi lần chăm sóc trẻ;

- Sử dụng thuốc giảm đau vùng miệng giúp cho trẻ dễ ăn theo chỉ định của bác sĩ, thường được bôi trước khi cho trẻ ăn 30 phút. Thuốc bôi vệ sinh miệng cho trẻ thường được sử dụng sau khi ăn 1 giờ, tránh gây nôn cho trẻ;

- Cho trẻ ăn thức ăn nguội, mềm, lỏng, dễ tiêu như cháo, sữa và nên chia thành nhiều bữa;

- Tắm rửa hằng ngày cho trẻ bằng nước ấm, có thể hòa loãng các dung dịch sát khuẩn vào nước để tắm cho trẻ. Dùng thuốc xanh – methylen hoặc dung dịch betadin để chấm lên các nốt phỏng nước sau khi tắm;

- Quần áo cho trẻ nên chọn loại vải mềm, rộng rãi, thấm hút mồ hôi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn