MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nguy cơ đột quỵ có thể tăng 10% khi nhiệt độ môi trường tăng thêm 1 độ C

HƯƠNG SƠN LDO | 12/04/2023 06:00
Những nhóm đối tượng có nguy cơ cao bị sốc nhiệt và đột quỵ khi thời tiết nắng nóng là trẻ nhỏ, người lớn tuổi, người mắc các bệnh lý nền mạn tính (bệnh tim mạch, tăng huyết áp, tiểu đường,…), người làm việc, vận động lâu dưới nắng nóng.

BS.CKI Nguyễn Phương Trang – Khoa Nội thần kinh, Trung tâm Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay, tình trạng nắng nóng kéo dài khiến nguy cơ người dân mắc đột quỵ tăng cao. Đặc biệt, đối với những người có bệnh lý nền, nếu không may bị sốc nhiệt, đột quỵ thì thường có nguy cơ gặp phải hậu quả nghiêm trọng hơn. 

Ngoài ra, những người đang sử dụng các loại thuốc lợi tiểu, thuốc chống trầm cảm loại ba vòng, thuốc điều trị cao huyết áp… cũng có nguy cơ bị sốc nhiệt và đột quỵ cao hơn người bình thường.

  Những người tiếp xúc ánh nắng nhiều ngoài trời cũng có nguy cơ bị đột quỵ. Ảnh: Chân Phúc

Theo bác sĩ Phương Trang, nguy cơ đột quỵ có thể tăng thêm 10% khi nhiệt độ môi trường tăng thêm 1 độ C. Trong khi đó, sốc nhiệt do nắng nóng cũng là một trong những tình trạng y tế thường gặp nhất. Cả hai tình trạng này đều có thể dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng nếu không được xử lý, cấp cứu kịp thời.

Thống kê tại các cơ sở y tế vào mùa hè ghi nhận số lượng người bệnh nhập viện cấp cứu tăng cao gấp 3 lần so với các thời điểm còn lại. Trong số đó, các trường hợp sốc nhiệt và đột quỵ não, rối loạn điện giải, viêm phổi chiếm đa số.

Nắng nóng khiến nhiệt độ cơ thể tăng, bài tiết nhiều mồ hôi từ đó gây mất nước. Nếu người bệnh không bổ sung nước kịp thời sẽ khiến máu dễ bị kết dính và lưu thông kém. Hậu quả làm tăng huyết áp, dễ hình thành cục máu đông và gây tắc nghẽn mạch máu. Từ đó, tăng nguy cơ sốc nhiệt và đột quỵ.

TS.BS Nguyễn Thị Minh Đức - Trưởng khoa Nội thần kinh, Trung tâm Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh cho biết thêm, khi bị sốc nhiệt, đột quỵ do nắng nóng, người bệnh sẽ có những biểu hiện ban đầu điển hình như: mặt đỏ, môi, da khô, mạch nhanh, thở nhanh, đau đầu, chóng mặt, vã mồ hôi, hoa mắt, khó thở, thở gấp… Sau đó có thể xuất hiện tình trạng trụy mạch, sốt cao (từ 39 – 40 độ C), hôn mê…

Đa phần, sốc nhiệt do nắng nóng có thể tự khỏi sau khi người bệnh được nghỉ ngơi, uống đủ nước. Tuy nhiên, ở một số đối tượng có sẵn bệnh nền về tim mạch, huyết áp, người có sức đề kháng yếu thì sốc nhiệt do thời tiết nắng nóng có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe.

Trong khi đó, đột quỵ xảy ra bất ngờ nếu không được nhận biết và cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như liệt người, tê yếu chân tay, méo miệng, khó nói, rối loạn ngôn ngữ, thậm chí tàn phế vĩnh viễn hoặc tử vong.

Chính vì thế, việc học cách nhận biết và xử lý khi có người bị sốc nhiệt, đột quỵ do nắng nóng là vô cùng cần thiết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn