MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Những nguyên nhân khiến phụ nữ dễ bị tuyến giáp hơn nam giới

HƯƠNG SƠN LDO | 07/06/2022 16:57
Phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh tuyến giáp cao hơn nam giới gấp 10 lần, nhưng chưa được quan tâm đúng mức, gây ra nhiều tình trạng nguy hiểm.

Theo BS.CKI Võ Trần Nguyên Duy (Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM), phụ nữ do trải qua nhiều biến động về nội tiết tố, bao gồm: Dậy thì, chu kỳ kinh nguyệt, mang thai, hậu sản và thời kỳ mãn kinh… khoảng ⅛ phụ nữ sẽ bị ảnh hưởng bởi các vấn đề của tuyến giáp vào bất kỳ một giai đoạn phát triển nào. Đồng thời, nguy cơ mắc các bệnh lý tuyến giáp ở phụ nữ cao hơn nam giới khoảng 10 lần, với một số nguyên nhân phổ biến như dưới đây.

Rối loạn tự miễn

Rối loạn tuyến giáp thường được kích hoạt bởi các phản ứng tự miễn (hệ thống miễn dịch tự tấn công tế bào của chính mình). Trong khi đó, phụ nữ có nguy cơ mắc tình trạng tự miễn cao hơn nam giới.

Thay đổi trong quá trình mang thai

Vào 3 tháng đầu của thai kỳ, hormon tăng cao kích thích tuyến giáp tiết ra hormon thyroxin, gây ra tình trạng cường giáp. Điều này khiến các mẹ bầu bị nghén nặng, sụt cân, thở nhanh, rối loạn điện giải, chán ăn… Ở giai đoạn sau của thai kỳ, hormon giảm xuống, chức năng tuyến giáp sẽ trở về bình thường.

Trường hợp phụ nữ mắc các bệnh lý tuyến giáp cũng gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe thai kỳ, như: Tăng tỉ lệ sảy thai, lưu thai, tác động đến sự phát triển trí não của em bé (đối với suy giáp); mắc tim bẩm sinh, thai nhi chậm phát triển, dị tật bẩm sinh, sinh non… (đối với cường giáp). Do đó, phụ nữ cần kiểm soát tốt bệnh tuyến giáp để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé.

Sau khi sinh con

Các nghiên cứu khác nhau cho thấy, tỉ lệ viêm tuyến giáp ở phụ nữ sau sinh cao từ 6% - 8%. Trong thai kỳ, dưới tác động của hormone, các bệnh lý tự miễn thường ổn định. Tuy nhiên, sau khi sinh, các bệnh lý tự miễn lại dễ dàng tái phát, gây ra tình trạng viêm giáp, cường giáp. Tình trạng này thường được phát hiện ở phụ nữ sau sinh thường xuyên mệt mỏi, lo lắng bất thường, trầm cảm, ăn không ngon, táo bón, bồn chồn, đánh trống ngực, hồi hộp, khó thở….

Thời kỳ mãn kinh

Trong thời kỹ mãn kinh, có đến 50% phụ nữ xuất hiện nhân giáp hoặc đa nhân giáp lành tính. Tình trạng này hầu hết không ảnh hưởng đến sức khỏe, tuy nhiên, nếu những người này bổ sung lượng i-ốt nhiều thì dễ mắc bướu giáp do đa nhân hóa độc. Đồng thời, phụ nữ thường nhầm lẫn các triệu chứng của rối loạn tuyến giáp với tác động của thời kỳ mãn kinh nên không đi khám bác sĩ, dẫn đến phát hiện bệnh khi các bệnh lý tuyến giáp đã trầm trọng.

Bác sĩ Võ Trần Nguyên Duy khuyến cáo: Chị em nên tầm soát các bệnh lý tuyến giáp hằng năm, đặc biệt ở phụ nữ trên 20 tuổi, để có thể phát hiện, điều trị bệnh ngay từ giai đoạn chưa có triệu chứng. Ngoài ra, khi thấy mệt mỏi liên tục, giảm hoặc tăng cân, khó chịu, bứt rứt, khó thở… bạn nên đi khám để được sớm phát hiện. Bên cạnh đó, ăn uống lành mạnh và thể dục khiến cho nguy cơ tuyến giáp giảm hơn. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn