MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tiêm vaccine phòng cúm. Ảnh: Lệ Hà

Thời tiết thay đổi, cẩn thận với những biến chứng của cúm

Hà Lê LDO | 28/03/2024 13:22

Những ngày qua, miền Bắc thay đổi theo ngày mưa phùn, nồm ẩm, nóng lạnh thất thường, thuận lợi cho các loại virus, vi khuẩn và nấm mốc sinh sôi, gây nhiều bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe. Trong đó, cúm là bệnh thường gặp.

Đưa con tới khám tại Bệnh viện An Việt trong tình trạng bé bị các triệu chứng ho, sổ mũi, rát họng, sốt nhẹ kéo dài nhiều ngày không khỏi, chị Mai Anh (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: Cả lớp của con có đến 1/2 đang bị cúm. Tuy nhiên, con của chị là bị dai dẳng nhất. Cháu đã nghỉ học vài hôm, điều trị ở nhà không khỏi, chị phải đưa con tới bệnh viện để được bác sĩ điều trị.

Sau khi thăm khám, bác sĩ chẩn đoán, bé bị cúm và hướng dẫn cách điều trị.

PGS.TS Nguyễn Thị Hoài An thăm khám cho bệnh nhi. Ảnh: Hải Phạm

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Hoài An - nguyên trưởng khoa Tai mũi họng trẻ em (Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương), hiện là Giám đốc Bệnh viện An Việt, thời gian qua số ca đến khám vì bị cúm tăng nhiều, cả người lớn và trẻ nhỏ.

PGS Hoài An cho biết: Cúm là bệnh lý về đường hô hấp do virus cúm Influenza virus gây ra. Trong 3 chủng virus cúm ảnh hưởng đến người (A, B và C) thì có cúm A thường gặp nhất do virus cúm A thường xuyên biến đổi và khả năng lây nhiễm cao. Cúm mùa là một trong những bệnh truyền nhiễm, lây chủ yếu qua đường hô hấp và dễ bùng phát thành dịch. Cúm mùa có thể xảy ra quanh năm nhưng thường gặp vào thời điểm giao mùa, đặc biệt là thời điểm hiện tại khi thời tiết diễn biến cực đoan.

Bệnh cúm thường có biểu hiện của viêm đường long đường hô hấp trên và có thể dễ nhầm với cảm lạnh. Trẻ nhỏ với hệ miễn dịch còn yếu cũng như những người có bệnh lý mạn tính về tim mạch và hô hấp, người suy giảm miễn dịch, người già và phụ nữ có thai nguy cơ mắc cúm cao hơn. Cúm mùa thường lành tính nhưng có thể tiến triển nặng gây viêm phổi nặng, suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong.

Cúm mùa có các triệu chứng đặc trưng như sốt cao đột ngột, rét run, đau đầu, đau mỏi mình mẩy, viêm họng, chảy nước mũi, nhưng có thể nhầm lẫn với cảm lạnh thông thường và cúm. Xét nghiệm giúp chẩn đoán chính xác được bệnh cúm.

Theo PGS Hoài An, bất cứ ai cũng có thể bị cúm mùa vì thế để chủ động phòng bệnh, người dân cần bảo đảm vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi. Khi có người mắc cúm cần cách ly, làm sạch môi trường, đeo khẩu trang để tránh lây nhiễm.

Thường xuyên rửa tay với xà phòng bằng nước sạch; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối; ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng; hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết.

Một lưu ý nữa là nên tiêm phòng cúm hàng năm, đặc biệt là với trẻ nhỏ hay những người có bệnh phổi mạn tính, bệnh tim mạn tính, bệnh thận, gan, rối loạn huyết học, chuyển hóa (gồm tiểu đường, người suy giảm miễn dịch), phụ nữ mang thai...

Khi bị cúm mùa, nên điều trị sớm, triệt để, không lạm dụng thuốc kháng sinh hay tự ý sử dụng các loại thuốc mà không có chỉ định hay hướng dẫn từ bác sĩ. Nếu bị cúm có những dấu hiệu trở nặng, cần tới các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn