MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Viêm tiểu phế quản: Bệnh phổ biến dễ biến chứng ở trẻ

Nguyễn Ly LDO | 26/07/2022 17:00
Thời tiết chuyển lạnh là yếu tố thuận lợi cho các loại vi khuẩn, virus phát triển và gây bệnh. Trẻ em luôn là đối tượng dễ bị các tác nhân này tấn công nhất, đặc biệt là các bệnh lý đường hô hấp. Trong đó viêm tiểu phế quản (VTPQ) là bệnh thường gặp, có thể dẫn đến những hậu quả nặng nề nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Theo thống kê, tử vong nhiễm khuẩn hô hấp cấp đứng hàng thứ 5 trong các bệnh lý ở trẻ.

Bệnh lý đường hô hấp chưa có vaccine phòng ngừa 

Dù là ngày thứ bảy, nhưng tại khoa Khám bệnh - Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM vẫn còn nhiều bệnh nhi đến khám bệnh. Thời điểm này, các bệnh lý về đường hô hấp và truyền nhiễm tăng cao đột biến. 

Khu vực các bệnh liên quan đến đường hô hấp Bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh: Nguyễn Ly

Bé L.N.P (1,5 tuổi, ngụ ở tỉnh Bình Phước) mấy ngày qua liên tục ho nhiều, thở khò khè và ăn uống kém, dù đã cho uống thuốc và thử nhiều cách để cải thiện đường hô hấp của bé tại nhà, nhưng tình trạng không thuyên giảm nên gia đình phải đưa bé đến bệnh viện. 

Chị Nguyễn Thị Phương Dung - mẹ bệnh nhi P, cho biết: “Những cơn thở khò khè, khó thở và cảm giác rất nhiều đàm ở trong khiến con khó chịu, quấy khóc liên tục. Đặc biệt, càng về tầm chiều và đêm thì những triệu chứng này nặng hơn khiến con mất ngủ và mệt mỏi hơn”. 

Trường hợp của bé N.P. rất phổ biến hiện nay. Theo BS Trương Hữu Khanh – Chuyên gia truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM, 3 gánh nặng ghi nhận tại các phòng khám, bệnh viện, nhập viện là bệnh lý về đường hô hấp, sốt siêu vi và sốt xuất huyết. Bên cạnh đó, trẻ mắc các bệnh mạn tính sau thời gian giãn cách quay trở lại tái khám cũng làm cho bệnh viện quá tải.

Đặc biệt, trong đó có nhiều trẻ chỉ mới 1-2 tháng tuổi phải nhập viện vì viêm tiểu phế quản. Đây là một bệnh năm nào cũng xuất hiện nhưng các nhà khoa học hiện nay chưa tìm ra cách để bào chế vaccine ngăn ngừa virus hợp bào - tác nhân chính gây ra viêm tiểu phế quản. Hiện nay cũng là mùa của viêm tiểu phế quản, nhưng chưa phải mùa chính. Thực tế, mùa chính của viêm tiểu phế quản vào tháng 10.

Cũng theo BS Khanh, một trong những nguyên nhân lớn khiến tỷ lệ mắc bệnh liên quan đến đường hô hấp tăng cao hơn so với mọi năm nữa là trước đó chúng ta giãn cách, vì vậy trẻ không có miễn dịch từ từ. Do đó, hiện nay khi hòa nhập, dẫn đến cùng một lúc rất nhiều trẻ bệnh. Khi đó sẽ gây ra sự quá tải thực sự tại phòng khám, bệnh viện.

Các triệu chứng cần biết tránh biến chứng cho trẻ

Tác nhân làm cho trẻ bị viêm tiểu phế quản thường là do các virus, đứng hàng đầu là virus hợp bào hô hấp, chiếm 30 - 50% các trường hợp mắc bệnh. Virus này có 2 điểm đặc biệt: có khả năng lây lan rất mạnh nên bệnh có khả năng xảy ra thành dịch; người lớn, trẻ lớn cũng có thể bị nhiễm virus hợp bào nhưng biểu hiện thường nhẹ, chỉ như cảm ho thông thường. Nhưng nếu trẻ dưới 2 tuổi bị lây nhiễm có thể biểu hiện dưới dạng nặng là VTPQ.

Virus cúm và á cúm cũng gây bệnh cho khoảng 25% số trẻ bị viêm tiểu phế quản. Ngoài ra, phải kể đến Adenovirus với 10% số mắc.

Bệnh nhi đi khám bệnh đường hô hấp. Ảnh: Nguyễn Ly

Nếu trẻ sống trong vùng có dịch cúm hay viêm đường hô hấp trên (do virus hợp bào) thì tỷ lệ bị lây nhiễm rất cao do sức đề kháng ở cơ thể trẻ còn quá yếu, nhất là trẻ tuổi bú mẹ mà không được bú đầy đủ sữa mẹ. 

Biểu hiện là khi trẻ ho, sổ mũi, đặc biệt là trẻ nhỏ, chưa có triệu chứng khò khè, thở khó khăn, đàm thì thường cho là viêm mũi họng. Nhưng khi bắt đầu thấy trẻ đàm nhiều, khò khè, thở nặng với trẻ nhỏ đa số là bước ban đầu là viêm đường hô hấp dưới.

Trong viêm đường hô hấp dưới, khả năng xảy ra nhiều nhất ở trẻ nhỏ là viêm tiểu phế quản. Chúng ta khó có thể nhận biết viêm đường phế quản, chỉ có đi khám để được xác định.

Khi nghi ngờ viêm tiểu phế quản chúng ta phải đưa trẻ đi khám bệnh. Bởi vì viêm tiểu phế quản rất dễ bị bội nhiễm. Điều này chỉ có bác sĩ mới biết được, qua đó sẽ quyết định nên dùng kháng sinh hay không.

Nếu trẻ ho, sổ mũi thông thường, vẫn bú, ăn và chơi, không sốt cao thì có thể chăm sóc trẻ tương tự như viêm họng trên. Cho trẻ uống các loại thuốc ho thông thường, nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý, theo dõi và đếm nhịp thở. Nhưng nếu nghi ngờ trẻ viêm tiểu phế quản thì phải đi bệnh viện. Khi đó, bác sĩ sẽ có hai lựa chọn, một là cho trẻ nhập viện nếu có nguy cơ thiếu oxy, hai là cho về nhà theo dõi. Trong trường hợp về nhà thì điều quan trọng nhất là đủ nước và đủ sữa (trẻ lớn đủ nước, còn trẻ nhỏ thì đủ sữa), dùng thuốc theo đơn của bác sĩ. Trong viêm tiểu phế quản, vấn đề lo ngại nhất là tăng đàm làm trẻ khó thở. Vì vậy, để tránh đàm thì cần uống nhiều nước giúp làm loãng đàm.

Trong viêm tiểu phế quản, sau khi khỏi bệnh, trẻ vẫn có thể ho kéo dài, thậm chí cả tháng rồi mới hết. Do đó, không có cách nào khác, trẻ phải đủ dinh dưỡng, ngủ đủ giấc, uống đủ nước, theo dõi sát khi trẻ bắt đầu ho, sổ mũi. Quan trọng nhất theo dõi cách thở của trẻ. Khi cần thì nên cho trẻ đi khám bác sĩ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn