MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều trẻ nhập viện do viêm da cơ địa nặng. Ảnh: BV

Xử trí viêm da cơ địa ở trẻ em

Trang Thiều LDO | 13/04/2022 17:00

Viêm da cơ địa là một dạng tổn thương trên bề mặt da, có triệu chứng ngứa ngáy, khó chịu, đỏ sưng và nứt da. Dưới đây là những chia sẻ về cách xử trí viêm da cơ địa ở trẻ em.

Theo bác sĩ Nguyễn Mạnh Cường - chuyên khoa Nhi - Bệnh viện Quân Y 103, viêm da cơ địa hay còn gọi là chàm sữa là bệnh lý da liễu thường gặp ở trẻ em, kèm theo viêm mũi dị ứng. Bệnh thường khởi phát lúc trẻ 2-3 tháng tuổi, đặc trưng bởi đám mụn nước trên nền da đỏ vùng 2 má, trán và cằm. Trẻ ngứa ngáy nên khó chịu, cào gãi, tổn thương da và chảy dịch nhiều, có nguy cơ bị bội nhiễm. Theo đó, da của trẻ thường khô và rất ngứa kèm theo nứt nẻ.

Bác sĩ Mạnh Cường cho biết, do cơ địa nên chàm sữa rất khó chữa khỏi dứt điểm, thường tiến triển dai dẳng trong 2 năm đầu đời. Theo đó, 95% trẻ mắc chàm sữa ổn định sau 2 tuổi, 5% chuyển thành viêm da cơ địa ở trẻ lớn.

Chia sẻ với phụ huynh về cách xử trí viêm da cơ địa ở trẻ em, bác sĩ Mạnh Cường lưu ý:

- Phụ huynh cần loại bỏ các tác nhân gây kích ứng: quần áo bẩn, bụi nhà, lông chó mèo, thuốc và thức ăn gây dị ứng;

- Tắm nước ấm cho trẻ, sau đó sử dụng dưỡng ẩm phù hợp;

- Có thể sử dụng máy tạo độ ẩm và máy lọc không khí cho trẻ;

- Hạn chế để trẻ gãi gây nhiễm khuẩn bằng cách: cắt móng tay, đeo bao tay khi ngủ, xoa nhẹ nhàng chỗ con gãi, băng vùng con ngứa;

- Sử dụng chống ngứa kháng histamin H1: diphenhydramine, H2: deslotaradin...;

- Bôi corticoid chế phẩm nhẹ: bắt buộc sử dụng theo hướng dẫn của bác sĩ.

Viêm da cơ địa là một dạng tổn thương trên bề mặt da, có triệu chứng ngứa ngáy, khó chịu, đỏ sưng và nứt da. Bệnh xảy ra ở hầu hết các đối tượng, kể cả người lớn và trẻ nhỏ. Khi ngứa bệnh nhân càng gãi thì càng làm bệnh trở nên nặng hơn, thậm chí các vết thương có nguy cơ bị nhiễm trùng.

Bệnh viêm da cơ địa không có tính lây lan. Tuy nhiên, một số nghiên cứu cho thấy bệnh có tính di truyền huyết thống. Những người có cha mẹ, ông bà mắc bệnh từ trước sẽ có khả năng bị bệnh cao hơn so với bình thường.

Theo PGS. BS Nguyễn Trọng Nghĩa (Trường Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh)

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn