MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một chương trình nghệ thuật tại Nhà văn hóa Lao động tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Đức Hải

Đưa hoạt động dân vũ vào các giờ nghỉ giải lao của cán bộ, công nhân, viên chức

Mai Hương LDO | 16/09/2023 15:35

Nhà Văn hóa Lao động tỉnh Lâm Đồng có 27 câu lạc bộ với nhiều hoạt động thể thao, văn hóa khác nhau. Người đến tham gia các câu lạc bộ ở đây gồm người lao động, trẻ em, công nhân viên chức, cán bộ hưu trí. Đoàn viên công đoàn được áp dụng chính sách giảm giá 10% học phí, hội phí.

Mùng 1 Tết vẫn có người đến sinh hoạt

Nhà Văn hóa Lao động tỉnh Lâm Đồng được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho phép thành lập từ tháng 7.2015, hoạt động thử nghiệm năm 2016, chính thức hoạt động vào năm 2017. Công trình được xây dựng với tổng diện tích 4.200m2 trong khuôn viên đất 19.700 m2 tại TP Đà Lạt.

Điểm khác biệt của Nhà Văn hóa Lao động tỉnh Lâm Đồng là nơi đây hoạt động không có ngày nghỉ. Theo ông Trần Đức Hải - Giám đốc Nhà Văn hóa Lao động tỉnh Lâm Đồng - vào dịp lễ, Tết, nhà văn hóa vẫn hoạt động bình thường. Thậm chí, vào chiều 30 Tết và sáng mùng 1 đầu năm mới, vẫn có người đến tham gia sinh hoạt, tập luyện.

“Chúng tôi cố gắng tạo môi trường sinh hoạt văn hóa, thể thao tốt nhất cho không chỉ cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động mà còn cả người dân trên địa bàn TP Đà Lạt nói riêng và tỉnh Lâm Đồng nói chung” - ông Trần Đức Hải cho hay.

Đưa các hoạt động văn hóa đến với công nhân

Nhà Văn hóa Lao động tỉnh Lâm Đồng cũng thường xuyên kết nối với các LĐLĐ tại các huyện tổ chức các giải thể thao, hoạt động văn hóa văn nghệ nhằm nâng cao đời sống tinh thần của công nhân lao động.

Theo ông Trần Đức Hải, năm 2023, Nhà Văn hóa Lao động tỉnh Lâm Đồng kết nối với huyện Đức Trọng, huyện Bảo Lộc, huyện Bảo Lâm tổ chức 3 hoạt động văn hóa, thể thao. Dự kiến trong thời gian tới, sẽ tổ chức chương trình “Văn hóa Văn nghệ giờ Thứ 9” định kỳ, đưa hoạt động dân vũ vào các giờ nghỉ giải lao của cán bộ, công nhân, viên chức.

Ông Hải cũng cho biết thêm, việc tổ chức những hoạt động này là điều cần thiết. Tuy nhiên, do địa bàn tỉnh Lâm Đồng khá rộng lớn nên việc thực hiện gặp rất nhiều khó khăn. Vì thế, cần phải có sự phối hợp, phát động từ các địa phương, công đoàn cơ sở.

Chủ nhiệm câu lạc bộ Dân ca và nhạc cổ truyền tại Nhà Văn hóa Lao Động tỉnh Lâm Đồng, ông Vũ Mạnh Đương cho biết: “Nhờ sự hỗ trợ của Nhà Văn hóa Lao Động tỉnh Lâm Đồng, chúng tôi có thêm động lực để sáng tạo, đổi mới nội dung và phương thức sinh hoạt phù hợp với thiết chế văn hóa, đưa âm nhạc vào đời sống của công nhân, viên chức, lao động trên địa bàn tỉnh”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn