MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các học viên lớp Trung cấp nghề Vận hành máy thủy điện vừa kết thúc khóa học tặng quà cảm ơn đại diện Trường Trung cấp Nghề CĐ Hà Nội. Ảnh: TRANG THU

Liên kết đào tạo theo đặt hàng của doanh nghiệp

XUÂN TRƯỜNG LDO | 25/04/2017 06:15
Theo ông Hoàng Thanh Sơn - Hiệu phó Trường Trung cấp Nghề Công đoàn (CĐ) Hà Nội - trong vài năm lại đây, nhà trường đã liên kết với các doanh nghiệp (DN) đào tạo theo đặt hàng của họ. Đây là cách làm đáp ứng nhu cầu thực tế của các DN nên học viên ra trường đều có việc làm 100%.
Nói về việc liên kết đào tạo, ông Sơn cho biết, các DN đưa ra chỉ tiêu cần đào tạo tay nghề gì, số lượng bao nhiêu. Trên cơ sở đó, với những lĩnh vực có khả năng, nhà trường sẽ tuyển sinh đào tạo và kết thúc khóa học thì bàn giao học viên cho DN. 

Theo cách làm này, nhà trường đã ký kết hợp đồng đào tạo với 4 DN, gồm: Cty cổ phần Lilama 69-1, Cty cổ phần Lilama 18, Cty cổ phần Đầu tư và xây lắp Sông Đà và Cty cổ phần Đầu tư xây dựng Nông Lâm Tôn Thọ… với nhiều ngành nghề khác nhau như: Vận hành máy thủy điện, lắp đặt cơ khí, kỹ thuật lắp đặt ống công nghệ, điện công nghiệp, hàn… Các học viên ngoài việc được học ở trường còn được thực hành tại DN.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Sơn cho hay, cách đây vài ngày (ngày 18.4), nhà trường đã bế giảng lớp Trung cấp nghề Vận hành máy thủy điện và đã bàn giao tất cả 54 học viên của lớp cho Cty cổ phần Đầu tư và xây lắp Sông Đà. 

Việc đào tạo và bàn giao này được thực hiện theo hợp đồng số 25/HĐ-TNCĐ ngày 27.1.2016 về việc liên kết đào tạo và bố trí việc làm giữa Cty cổ phần Đầu tư và xây lắp Sông Đà và Trường Trung cấp Nghề CĐ Hà Nội. Lớp Trung cấp nghề Vận hành máy thủy điện này được khai giảng ngày 4.4.2016, 100% học viên của lớp là nam giới đến từ các tỉnh Sơn La, Yên Bái, Nghệ An, Lai Châu… Trước đó, theo hợp đồng đào tạo, Trường Trung cấp Nghề CĐ Hà Nội cũng đã đào tạo và bàn giao 1 lớp gồm 67 học viên cho Cty cổ phần Đầu tư và xây lắp Sông Đà.

Ông Sơn khẳng định, tuy có khó khăn ở khâu tuyển sinh, khi số đông học sinh tốt nghiệp THPT đều có nhu cầu vào học ở các trường đại học, nhưng mô hình đào tạo này là hướng đi đúng đắn, là cách làm hay, hiệu quả. Với phương thức đào tạo liên kết đã giải quyết việc làm cho 100% học sinh sau khi ra trường.

Theo ông Sơn, Cty cổ phần Đầu tư và xây lắp Sông Đà đã có một nhà máy thủy điện tại Sơn La đi vào hoạt động hơn 1 năm nay, còn lại hai nhà máy khác đang trong giai đoạn hoàn thành nên đang cần công nhân vận hành máy thủy điện và đây cũng là DN đánh giá cao về phương thức đào tạo liên kết này.


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn