MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chánh án Đặng Quang – người mê cải cách

Gặp ông “mê”… cải cách

Đăng Khoa LDO | 26/06/2014 15:08
Bạn bè, đồng nghiệp gọi đại tá Đặng Quang, Chánh án Tòa án Nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế, Chiến sĩ thi đua toàn quốc 2013 là ông “mê” cải cách, bởi trong 40 năm công tác ở ngành công an và tòa án, dù ở lĩnh vực và cương vị nào, dấu ấn mà ông để lại cũng là sự cải cách và đó là những cải cách để đời.
Bây giờ là chánh án, nhưng người đàn ông 58 tuổi này vẫn còn giữ nguyên tác phong của một điều tra viên cao cấp với nụ cười như thể “tôi biết hết rồi” và cái nhìn như xoáy sâu vào tâm can người đối diện. Hẹn gặp nhau là để cung cấp thông tin, nhưng tôi chưa kịp hỏi, ông đã khéo léo từ chối: “Những việc chú (ông xưng hô chú – cháu với tôi) làm không đao to búa lớn gì đâu. Tóm sơ thế này nhé, chú có 40 năm làm việc ở cả ngành công an, lẫn tòa án. Còn 2 năm nữa nghỉ hưu, giờ phút nào còn làm việc thì chú cố gắng làm hết sức. Chứ ngồi lại mà nói về mình thì không hay ho gì lắm đâu”. Tôi đành thuyết phục ông chánh án kể chuyện... thuần phục lưu manh, đánh cướp trên đất Huế một thuở...
Trao tự do cho dân đồi núi
Ở Huế, cái tên Đặng Quang được người dân hàm ơn, nhưng với “giới” lưu manh, trộm cắp và tội phạm chuyên nghiệp thì cái tên đó gợi nhớ một điều tra viên từng là “khắc tinh” của họ. Đó là thời điểm Bình – Trị - Thiên tách tỉnh, thành phố Huế được cắm mốc ranh giới trải rộng từ Bình Điền xuống tận Hải Dương (thị xã Hương Trà bây giờ). Lúc đó, Công an thành phố Huế vẻn vẹn có 10 người mà tội phạm các kiểu lại nổi lên cực kỳ nghiêm trọng. Sức ép công việc buộc ông - lúc đó là Phó Công an thành phố - phải di chuyển liên tục. Sáng trên núi điều tra án mạng, chiều về biển mổ tử thi, tối về thành phố “đánh” lưu manh. Ông kể, ở vùng gò đồi Bình Điền, Bình Thành, Hương Thọ lúc bấy giờ nổi lên nạn cướp, hiếp trắng trợn. “Nhà nào có đám giỗ là y rằng chúng kéo đến ăn hết cỗ, đâm thủng hết nồi xong bỏ đi mà không ai dám hé răng nói nửa lời. Cán bộ địa phương đi vào rừng một mình luôn bị lưu manh chặn lại đánh đập, công an đến thì chúng đã chui vào rừng trốn mất tăm...” - ông nhớ lại.

Không lẽ chịu thua? Ông tập trung lực lượng và trong vòng 1 tháng, Công an thành phố Huế truy bắt hết những đối tượng phạm tội trắng trợn, đối tượng cầm đầu. Người ít tội ra đầu thú, bị bắt được đem ra kiểm điểm trước dân, người trọng tội xử lý nghiêm khắc. “Chú nhớ nhất là ngày 2.9.1990, dân miền gò đồi 3 xã tổ chức kỷ niệm ngày độc lập. Lễ chưa bắt đầu thì rất đông người dân giương cờ, băngrôn, biểu ngữ, trống đánh rầm rầm kéo đến. Hóa ra chú “đánh” lưu manh bên này, ở Dương Hòa bên kia, lưu manh hoảng quá tự động giải tán, người dân được yên nên tổ chức kéo quân sang cùng ăn mừng”. Buổi lễ ý nghĩa ấy, người dân cảm ơn ông nhiều lắm. Có người bảo rằng: “Dân gò đồi có được độc lập, nhưng chưa có tự do. Bây giờ thì đã có!”.

Thay vì phải tìm đến 1 trong 5 tòa khác nhau, người dân chỉ phải đến tổ hành chính tư pháp để nộp hồ sơ. 
“Cha đẻ” của công nghệ click chuột đăng ký lưu trú
Năm 2006, khi làm Trưởng Công an thành phố Huế, ông thấy thương khi nửa đêm, hễ có khách đến thuê phòng là y rằng nhân viên khách sạn, nhà nghỉ trên địa bàn phải ôm sổ sách, giấy tờ đến trụ sở công an và phải chờ nhiều giờ liền để đăng ký tạm trú. “Sao không thử đăng ký lưu trú qua mạng Internet, vừa có hiệu quả về kinh tế, lại đỡ phiền hà cho khách?” – trong đầu ông bật lên một ý tưởng rất mới mẻ và táo bạo. Nghĩ, đề xuất với cấp trên rồi bắt tay vào làm ngay, nhưng lại vướng tiếp câu hỏi đầu tiên là tiền ở đâu ra? Ông lại tự trả lời bằng cách chạy đôn chạy đáo nhiều nơi để “xin” tiền và cuối cùng cũng được UBND tỉnh duyệt chi 170 triệu đồng ngân sách để làm đề án đăng ký lưu trú qua mạng.
Sau 3 tháng chạy thử, hệ thống chuẩn bị ra mắt công chúng thì xuất hiện những rắc rối là máy chủ của ngành không được phép đặt ở doanh nghiệp. Vậy là ông phải chạy sang xin ở nhờ trong cổng thông tin UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế. “Nhưng cũng chẳng được mấy hôm, vì máy chủ của ủy ban chập chờn lúc được lúc không, khách kêu trời không thấu” - ông Quang nhớ lại. Thế là một lần nữa ông đi “xin” tiền xây dựng cho mình một hệ thống máy chủ hoàn chỉnh. Đầu năm 2008, hệ thống đăng ký lưu trú đi vào hoạt động chính thức. Từ lúc đó, nhân viên lễ tân các cơ sở lưu trú chỉ cần click chuột, nhập thông tin và chờ trong giây lát là có thể hoàn tất việc đăng ký tạm trú cho khách. Hệ thống thành công ngoài mong đợi, nhiều nơi đến xin chia sẻ hệ thống, mua bản quyền phần mềm về áp dụng ở địa phương mình. Bản thân ông được nhiều doanh nghiệp kinh doanh lưu trú hứa hẹn tặng thưởng công lao xứng đáng, nhưng doanh nghiệp chưa kịp thưởng thì ông đã chuyển ngành sang làm tòa với chức danh chánh án.
Tuyển chọn cán bộ không giống ai!
Hồi còn ở Công an thành phố Huế, ông nổi tiếng là người có cách tuyển chọn cán bộ chẳng giống ai. Chuyện là trong một lần phỏng vấn, ông đặt câu hỏi cắc cớ với một cán bộ trẻ: “Anh cho biết vì sao Hồ Quý Ly đặt tên nước là Đại Ngu?”. Anh này trả lời: “Dạ, cháu không biết”. Vậy là ông cho về nhà suy nghĩ mai lên trả lời.
Hỏi có đúng vậy không? Ông cười thú nhận và giải thích: “Chú cho rằng, công an là những người đầu luôn lạnh nhưng trái tim phải nhân ái. Để được như vậy, họ cần phải có kiến thức xã hội, lịch sử, truyền thống của cha ông. Học trường lớp ai cũng giống ai, điều quan trọng là phải tự cập nhật để có một tầm văn hóa nhất định mới trở thành một cán bộ tốt…”.
Tòa 5 trong 1
“Đó là vào năm 2010 – ông kể - Thường những quyết định khác, chú quyết cái rẹt. Riêng việc về tòa án, chú đắn đo suy nghĩ mãi, bởi có sang đây thì cũng chỉ vài năm rồi về nghỉ hưu chứ làm được gì. Hơn nữa, chú vốn là điều tra viên cao cấp của ngành công an, chỉ am hiểu những chuyện liên quan đến hình sự. Còn nào dân sự, kinh doanh thương mại, hôn nhân gia đình... chú chưa có kinh nghiệm”. Nhưng cuối cùng, ông cũng quyết định sẽ chấp hành phân công với lý do “để thử sức trong môi trường mới xem hình thù nó ra làm sao”.
Về tòa án, ông nhận ra rằng hoạt động tiền tố tụng ở đây thật sự bất cập, gây khó khăn, làm mất thời giờ của người dân và cần phải thay đổi. “Không có bộ phận tiếp dân, nhưng bộ máy cồng kềnh khi có đến 5 tòa chuyên trách, 3 phòng, 7 đến 8 đầu mối. Dân đến tòa không biết tìm ai” - ông nói. Sau 3 tháng nghiên cứu, xây dựng, đề án “Cải cách hành chính một cửa” của Chánh án Đặng Quang được đồng thuận tuyệt đối tại hội thảo được tổ chức ngay sau đó. Và ông đã tạo một bước đột phá chưa từng có trong lịch sử tòa án Việt Nam khi ngày 15.5.2011, TAND tỉnh Thừa Thiên - Huế chính thức giải tán các bộ phận hành chính của 5 tòa chuyên trách. Tất cả các hoạt động tiền tố tụng quy về một đầu mối gọi là “tổ hành chính tư pháp”. Đến đó, người dân được hướng dẫn các quy trình khiếu nại, tố cáo, biết được quyền và nghĩa vụ của mình cũng như thời hạn, quy trình xét xử. Nếu trước đây người dân phải đến tòa từ 7 đến 8 lần, nay chỉ 1 - 2 lần là tòa có thể thụ lý hồ sơ...
Chưa hết, mới đây ông Đặng Quang còn có sáng kiến tổ chức thi kiểm tra năng lực của các thư ký tòa thông qua một phiên tòa xử thật. Và đó là lần đầu tiên trong lịch sử tòa án tỉnh Thừa Thiên - Huế, một phiên tòa xét xử vụ án giết người cướp của lại có đến... 45 thư ký. Ngoài 1 thư ký được chỉ định tại phiên tòa, 44 thư ký ngồi tham gia thi ngồi ở phòng riêng, theo dõi phiên tòa qua màn hình. “Đây không đơn thuần là cuộc thi, mà là cách đào tạo thực tế tốt nhất để nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ thư ký tòa án nhân dân tỉnh” - ông nói.
Ông Đặng Quang nói rằng mình đang đứng trước một cơ hội lớn để xây dựng Tòa án Nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện đại, mẫu mực với tiêu chí: “Phục vụ nhân dân, tiếp cận công lý”.
Lời bình
Có lẽ tác giả cũng bị ảnh hưởng tinh thần mê cải cách của nhân vật, viết phóng sự theo tinh thần cải cách, chia đoạn ngắn như một cái đề cương, mỗi đoạn một mẩu chuyện, một gởi gắm của tác giả vào câu chuyện.
Trong bài, nhân vật Đặng Quang từng là Trưởng công an thành phố Huế, giờ là chánh án, con người đi đến đâu cũng muốn cách tân, sắp xếp, tìm cách cho công việc có lợi cho dân. Từ cái thời của ông đã nghĩ đến một cửa một dấu, đến đăng ký khách trọ qua mạng, ngay đến cả cách thi tuyển thư ký toà cũng "không giống ai"... Một nhân vật mới 58 tuổi sắp về hưu mà để lại từng đó "huyền thoại" thì rõ là rất cá tính.
Nhưng đọc xong phóng sự này người đọc hình như còn cảm thấy thòm thèm. Bởi ngoài những mẩu chuyện công việc ấy, người đọc cũng không biết ông là nhân vật trong đời thế nào, tức là tác giả chỉ chăm bẵm giới thiệu phần việc chứ chưa khắc họa phần đời, điều mà bạn đọc rất muốn có trong một phóng sự về người và việc...
Huỳnh Dũng Nhân
 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn